Thứ 3 là kéo dùng để tỉa hoa. Kéo phải bén để tạo đường cắt dứt khoát khi tỉa cành và gốc hoa. Khi cắm hoa, người ta cần có dụng cụ để cố định giúp vật liệu đứng vững. Vì vậy, mút xốp hoặc đế ghim là vật thứ 4 mà người cắm hoa phải có. Trong Ikebana, hoa thể hiện tâm hồn của con người. Từng chi tiết thể hiện trên bình hoa không hề dư thừa, trái lại chúng đều ẩn chứa ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm vào đó.Ý tưởng dùng hoa để trang trí xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6, cùng thời điểm với sự lớn mạnh của Phật giáo tại đất nước này. Lúc bấy giờ, người Nhật hình thành thói quen sử dụng hoa để cúng Phật.
Đến thế kỷ 15, nhà sư Ikenobo Senkei đã sáng lập trường dạy cắm hoa Ikenobo đầu tiên tại Nhật Bản, trường tọa lạc bên cạnh chùa Rokkakudo ở Kyoto.Sau thời gian hoạt động, trường dạy cắm hoa Ikenobo phải tạm đóng cửa do Kyoto chìm trong chiến tranh giữa các lãnh chúa tranh giành quyền lực. Nhưng đối với nhà sư Ikenobo Senkei đây là thời gian để ông tập trung phát triển các kỹ năng cắm hoa của mình. Ông được cho là người đã sáng tạo nên phong cách cắm hoa Rikka, trong đó thể hiện vẻ đẹp của tự nhiên với núi non, thác nước, thung lũng và hoa cỏ.Bắt nguồn từ việc dâng hoa lên Đức Phật, cách sắp xếp 1 bình hoa đẹp dần được cụ thể hóa thành những quy tắc để từ đó hình thành nên nghệ thuật cắm hoa Ikebana. Theo mỗi thời kỳ và tùy thuộc vào cách thức cắm mà Ikebana hiện được chia ra làm nhiều trường phái khác nhau. Không chỉ gói gọn ở Nhật Bản, Ikebana hiện nay đã lan rộng ra khắp thế giới.Xét về lịch sử thì phong cách cắm hoa Rikka xuất hiện đầu tiên vào thế kỷ 15. Đó là cách cắm những cành hoa thẳng đứng, đặt nặng tính nghi thức. Vì vậy, Rikka chỉ phổ biến trong giới quý tộc, võ sỹ.Đến thế kỷ 18, vào thời Edo, giới thương gia ngày càng lớn mạnh, họ đã phát triển phong cách cắm hoa mới có tên gọi Shoka hay Seika. Phong cách Shoka đơn giản hơn nhiều so với kiểu cắm Rikka mang tính quý tộc nên được dân chúng rất ưa chuộng.
Chính từ giai đoạn này, nghệ thuật cắm hoa Ikebana mới thật sự được phổ biến và trở thành một phần trong văn hóa Nhật Bản.Vào thời Minh Trị, lịch sử Ikebana chứng kiến giai đoạn phát triển bùng nổ, hàng loạt trường dạy cắm hoa ra đời trên khắp nước Nhật. Các trường dạy cắm hoa thu hút người học từ mọi tầng lớp trong xã hội, chủ yếu là nữ giới. Những chuyển hướng nghệ thuật đầu thế kỷ 20 đã đưa đến sự phát triển của kiểu cắm hoa tự do Jijuka. Cùng với sự ra đời của những phong cách cắm hoa mới thì bình cắm hoa cũng được chế tác riêng biệt phù hợp cho từng phong cách. Thế giới của bình cắm hoa ngày nay rất đa dạng, bên cạnh những chiếc bình truyền thống bằng gốm và bình tạo tác từ thân tre, thì cũng có những loại bình làm từ chất liệu mới.
Trong Ikebana, bình cắm hoa có thể được biến đổi muôn hình vạn trạng để phù hợp với ý đồ của người thực hiện. Hình thức của bình cắm hoa không ngừng phát triển theo thời gian.
Ngày xưa, kiểu bình Sayu Taisho chỉ được sử dụng trong các nghi lễ linh thiêng và dùng để cắm hoa dâng lên Đức Phật. Do đó, bình Sayu Taisho xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu hình thành nghệ thuật cắm hoa. Bình Sayu Taisho có thân cao và hoa văn trau chuốt, yếu tố này giúp tôn thêm vẻ đẹp của những bông hoa cắm trong bình. Sayu Taisho được dùng trong phong cách cắm hoa Rikka, dáng vẻ quý phái của nó thích hợp với phong cách cầu kỳ này. Ngoài ra, Rikka là kiểu cắm hoa theo dạng thẳng đứng, vật liệu được dùng là những cành cây cao và to nên cần phải cắm trong một chiếc bình vững chãi.
Dạng bình truyền thống thứ 2 được làm bằng gốm. Bình loại này thích hợp với phong cách cắm hoa Shoka và Jiyuka. Với mục đích đề cao tính giản dị và gần gũi nên bình cắm sử dụng trong 2 phong cách trên cũng được thiết kế mang tính dân dã. Những chiếc bình cắm hoa dạng này có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trong dân chúng, nó mang tính phổ thông cũng giống như phong cách cắm hoa Shoka và Jiyuka.
Theo quan niệm của người Nhật những gì đơn giản thường dễ gần và có sức lan tỏa. Trong Ikebana, điều đó cũng được phát huy mạnh mẽ. Gần đây, một số nghệ nhân Ikebana đã tận dụng cả những đồ vật bị vứt đi để làm bình cắm hoa. Đó có thể là chiếc bình gốm sứt miệng do sử dụng lâu ngày, hay một chiếc bình gốm khác mà phân nửa thân bình đã bị vỡ không còn dùng vào việc gì được….
Sự phát triển lên đến đỉnh cao của nghệ thuật cắm hoa Ikebana có thể được lý giải bởi tình yêu của người Nhật đối với thiên nhiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên được mọi người ở khắp mọi nơi yêu thích nhưng ở Nhật, người ta thật sự nâng niu, và hiểu rõ giá trị của nó. Ngày nay, Ikebana trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản và rất được nhiều người quan tâm. Trường dạy nghệ thuật cắm hoa Ikebana đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
(st)
No comments:
Post a Comment