Saturday, June 11, 2011

Thế giới muôn màu

Phải chăng mọi thứ trên đời này đều có thể phân định một cách rạch ròi?


Có cà phê, có sữa, nhưng vẫn có cà phê sữa.

Có nước mặn, có nước ngọt, nhưng vẫn có nước lợ.

Có bánh mặn, có bánh ngọt, nhưng vẫn có bánh mặn kết hợp ngọt.

Có động vật ăn thịt, có động vật ăn cỏ, nhưng vẫn có động vật ăn tạp cả thịt lẫn cỏ.

Có khi vui người ta cười, có khi vui người ta khóc, nhưng vẫn có người khi vui thì vừa khóc và vừa cười

Có một ngôi nhà mang nét đẹp Á Đông, có một ngôi nhà mang nét đẹp Tây Âu, nhưng vẫn có một ngôi nhà kết hợp hài hòa vẻ đẹp Đông Tây.

Có người luôn luôn tốt (thánh nhân), có người luôn luôn xấu (kẻ tội ác), nhưng vẫn có người lúc tốt, lúc xấu (những con người bình thường).

Dường như luôn có một cái gì đó dung hòa giữa 2 thái cực của vạn vật từ những thứ vô tri vô giác cho đến những thứ sinh động, tràn đầy cảm xúc. Không có cái gì có ranh giới rõ ràng cả, luôn có một sự hòa trộn, biến thiên giữa các thái cực. 2 thái cực sẽ chiếm đa số hay phần trung hòa sẽ chiếm đa số? Cái nào tốt cái nào xấu? Đó sẽ là nhận định của mỗi người mà thôi, và không có cái gì là đúng, không có gì là sai ở đây cả...

Lại nói đến một vấn đề nhạy cảm và huyền bí đó chính là giới tính. Vậy liệu rằng nó có giống các hiện tượng ở trên hay không? Ngày xưa giới tính được phân biệt theo góc độ sinh học cơ bản , nó bao gồm 2 giới nam và nữ. Qua thời gian, khoa học phát triển, người ta nhận thấy giới tính phức tạp hơn rất nhiều, người ta không phân biệt theo giới tính sinh học nữa mà chú trọng vào phân biệt thiên hướng tính dục hơn. Giới tính ngày nay được phân biệt chủ yếu bởi 2 thiên hướng tính dục: dị tính luyến ái đồng tính luyến ái . Người ta vẫn thường cho rằng dị tính là tốt, còn đồng tính là tội lỗi. Vậy điều đó có đúng không? Bạn có chắc là mình dị tính? Liệu rằng giữa Dị tính và Đồng tính có một mối giao hòa nào không?

Nào ta cùng nghiên cứu nhé! (Có những định nghĩa không hiểu thì có thể tham khảo chú thích dưới cùng)

Bàn về thế giới đồng tính, nhà tâm lý học Sigmund Freud cho rằng con người sinh ra hầu hết là song tính luyến ái (có thể yêu cả hai giới). Điều này khá tương đồng với nghiên cứu của tiến sĩ Afred Kinsey vào khoảng đầu thập niên 1950, nghiên cứu này còn được gọi là “thước đo Kinsey” (Kinsey’s scale).Thước đo Kinsey là thang đo dùng để xác định thiên hướng tính dục của một người, quan điểm của nó là thiên hướng tình dục có thể biến thiên trong khoảng từ hoàn toàn dị tính luyến ái qua song tính luyến ái rồi đến hoàn toàn đồng tính luyến ái chứ không nhất thiết chỉ tồn tại một kiểu người với duy nhất một thiên hướng tính dục. Trong thước đo, ông chia ra bảy nấc thang từ 0-6, mỗi điểm ứng với thiên hướng tính dục của con người.

Thước đo Kinsey

0- Hoàn toàn dị tính luyến ái (Exclusively heterosexual)

1- Chiếm ưu thế dị tính luyến ái, xu hướng đồng tính luyến ái rất nhỏ (Predominantly heterosexual, only incidentally homosexual)

2- Chiếm ưu thế dị tính luyến ái, nhưng phần nào đồng tính luyến ái (Predominantly heterosexual, but more than incidentally homosexual)

3- Đồng đều giữa dị tính luyến ái và đồng tính luyến ái (Equally heterosexual and homosexual)

4- Chiếm ưu thế đồng tính luyến ái, nhưng phần nào dị tính luyến ái (Predominantly homosexual, but more than incidentally heterosexual)

5- Chiếm ưu thế đồng tính luyến ái, xu hướng dị tính luyến ái rất nhỏ (Predominantly homosexual, only incidentally heterosexual)

6- Hoàn toàn đồng tính luyến ái (Exclusively homosexual).

Sự biến thiên trên thiên hướng tính dục tạo ra các thiên hướng đồng tính, song tính, hoặc dị tính luyến ái, chứ con người không nhất thiết phải đi theo một thiên hướng tính dục duy nhất. Nghiên cứu của Kinsey trên 10.000 người Mỹ đã phát hiện phần lớn thiên hướng tính dục của con người nằm ở giữa sáu nấc thang của “thước đo Kinsey”, tức là hầu hết chúng ta có thiên hướng song tính luyến ái, chứ không phải dị tính luyến ái như nhiều người vẫn tưởng. Tỉ lệ người đồng tính hoàn toàn và dị tính hoàn toàn là gần như nhau, chiếm phần nhỏ, người song tính chiếm đa số. Ví dụ một người con đàn ông có 30% cảm giác xao xuyến với nữ, 70% cảm giác xao xuyến với nam, thì người đàn ông đó có thiên hướng yêu người cùng giới cao hơn. Nếu tỉ lệ xao xuyến giữa 2 giới gần như nhau thì việc yêu một người nào đó sẽ còn tùy thuộc vào bản thân người đó, môi trường xã hội, văn hóa... Vì vậy, bây giờ chúng ta có thể hiểu tại sao chúng ta đang có người yêu là người khác giới, nhưng đôi lúc chúng ta lại có cảm giác bị xao xuyến chút ít bởi người cùng giới, và chúng ta thậm chí không tin vào điều đó, nhiều lúc còn cho đó là sai lầm. Tất cả đều là cảm xúc tự nhiên các bạn à, không có gì sai trái ở đây cả.

Bức ảnh này đã được thu nhỏ. Muốn xem kích cỡ đầy đủ (2126x472) bạn click vào đây.




Liệu chúng ta có ý thức được cảm xúc tính dục đồng tính và dị tính trong mỗi chúng ta?

Nào chúng ta cùng tham khảo 1 số liệu nghiên cứu nhỏ gần đây được thực hiện với ngẫu nhiên khoảng 200 sinh viên Việt Nam trên internet và qua phỏng vấn trực tiếp. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: "Bạn nghĩ gì khi một chàng trai/cô gái có ngoại hình, tính cách, cử chỉ thật ấn tượng, ấn tượng đến mức mà có thể khiến cả con gái và con trai đều xao xuyến?" Kết quả nghiên cứu chắc hẳn sẽ khiến chúng ta bất ngờ.

+ Gần 70% ý kiến cho rằng đó là một việc hết sức bình thường. Và chính những người được phỏng vấn cũng từng có tiếp xúc với những người như thế và họ cũng từng đã có cảm giác mến mộ, thích thú hoặc đôi chút xao động với một người cùng giới như vậy. Một bạn gái có tâm sự rằng người yêu cô ấy là một chàng trai, cô ấy thật sự thích con trai, nhưng cô ấy vẫn không thể nào cưỡng lại nổi hình ảnh các nữ diễn viên nóng bỏng. Cô ấy nói mỗi khi lên mạng cô ấy dường như chỉ thích xem hình các cô gái đẹp, và cô ấy vẫn ưu tiên ngắm nhìn các cô gái đẹp trên mạng, trên báo hơn là xem con trai. Cố ấy cho rằng mình là một người yêu đương bình thường, nhưng cũng không thể lý giải nổi cảm giác cực thích thú cao độ mỗi khi xem hình các cô gái đẹp, cô ấy nghĩ đơn giản chỉ thích thôi. Một số bạn có ý kiến rằng việc 1 người con gái có thể khiến làm người cả 2 giới xao xuyến thì có thể dễ chấp nhận hơn so với một người nam. Có lẽ ngày nay về vấn đề nhạy cảm như giới tính, con trai vẫn bị đối xử khắt khe hơn.

+ Khoảng 8% ý kiến cho rằng tin tưởng điều đó có thể xảy ra, mặc dù họ chưa từng gặp. Họ nghĩ rằng đó là những tình cảm tự nhiên, nếu có cũng chẳng có gì là xấu.

+ Khoảng 14% ý kiến cho rằng người con trai/con gái có khả năng làm xao xuyến cả nam lẫn nữ là những người không bình thường, có vấn đề về giới tính. Họ thậm chí còn cho rằng những người nam, nữ bị xao xuyến cũng là những người có giới tính không bình thường.

+ Khoảng 7% khẳng định người nam đó là gay, người nữ kia là les. Họ cho rằng gay, les là những người có nét đẹp bề ngoài lẫn nét đẹp tính cách hài hòa giữa nam nữ nên dễ dàng tạo được nét quyến rũ. Một bạn trai có tâm sự rằng anh ấy từng làm bạn với một chàng gay có vẻ bề ngoài cũng khá nam tính, nhưng lại có tính tình rất dịu dàng. Bạn trai này cũng thực sự có một cảm giác mến mộ lạ lạ đối với chàng gay đó bởi cái nét dịu dàng hơi giống con gái đó. Không giấu nổi vẻ hào hứng khi kể về người bạn đặc biệt của mình, bạn trai được phỏng vấn còn nói rằng, nếu người bạn gay đó của mình mà là con gái, thì chắc mình yêu mất thôi, vì tính tình của bạn gay đó thật sự rất dễ thương.^^

+ Một số rất rất ít còn lại thì cho rằng người con trai/con gái đó là người song tính luyến ái.

Các bạn thấy đó, hầu chúng ta vẫn có những rung động, xao xuyến nhất định nào đó với cả người khác giới hay cùng giới. Đôi khi chúng ta nhận ra, đôi khi lại không... đôi khi chúng ta dám thừa nhận, nhưng đôi khi chúng ta ghê sợ, không dám tin... nhưng sự thật thì nó vẫn hiện hữu.

Trong thời đại mà tình dục đi đôi với phạm trù đạo đức, phát hiện của Kinsey đã đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu khuynh hướng dị tính luyến ái mà chúng ta thấy ở phần lớn loài người có phải là kết quả của quá trình đào tạo từ xã hội không? Có thể con người được sinh ra với thiên hướng yêu được người cùng giới lẫn khác giới, nhưng sống trong một xã hội mà yêu người khác giới là một chuẩn mực đạo đức, còn yêu người cùng giới là trái tự nhiên thì những ai nằm trong khoảng giữa của “thước đo Kinsey” sẽ có khuynh hướng nghiêng hẳn về dị tính luyến ái. Khi số lượng người dị tính luyến ái ngày càng gia tăng và áp đảo thì người đồng tính hiển nhiên sẽ trở thành một nhóm thiểu số đi ngược với tiêu chí xã hội và bị kỳ thị. Liệu điều đó có công bằng? Cũng đồng quan điểm với Kinsey, một nhóm sinh viên 9X của Việt Nam với những nghiên cứu sâu sắc về lịch sử, văn hóa, triết học cũng đã đưa ra những nhận định rất mới mẻ trong tình yêu và tình dục.

Nhóm sinh viên đã đưa ra nhận định sau: "Từ ngàn xưa , khi giống nòi còn ăn lông ở lỗ làm gì có quan niệm về tình yêu là phải xảy ra từ trai với gái. Tình yêu đơn giản chỉ là sự giao hòa đồng điệu giữa 2 tâm hồn và muốn gắn bó với nhau mãi để tìm lấy những phút giây hạnh phúc cùng nhau. Thích nhau và muốn ở cùng nhau và không thể sống thiếu nhau, thế là thành đôi, thành một gia đình nhỏ. Nhưng thời đại thay đổi và phát triển, chiến tranh loạn lạc, cần có số lượng lớn nhân lực để gia tăng sản xuất và đi đánh chiếm nhiều nơi nên việc quan hệ giữa nam và nữ được thôi thúc và phổ biến rộng rãi. Nó tạo thành 1 quan niệm lâu dài và ăn sâu vào trong tiềm thức con người. Mỗi gia đình đều có nhiệm vụ duy trì và phát triển nòi giống để tạo ra lực lượng lao động cho đất nước, vì thế gia đình nào khi xưa đều muốn nhiều vợ, nhiều con. Vì vậy khi nhắc đến hôn nhân gia đình người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh: người đàn ông, người đàn bà và những đứa trẻ. Nhưng cái quan niệm đó chỉ là bản năng sinh tồn của muôn loài, nó không còn phù hợp trong thời đại ngày nay nữa. Ngày nay, nhiệm vụ duy trì và phát triển nòi giống không thật sự quan trọng nữa, mọi đất nước đều có xu hướng giảm số con trong gia đình, và hiện nay nhiều gia đình đang có xu hướng sinh con muộn hoặc không sinh con. Trải qua 1 quá trình phát triển, chức năng duy trì và phát triển nòi giống của một gia đình sẽ không còn quan trọng nữa, nó bắt đầu quay lại với định nghĩa gia đình ban đầu: gia đình là một tổ chức những người yêu nhau và muốn gắn bó suốt đời với nhau. Và tình yêu cũng sẽ được trả về với định nghĩa ban đầu của nó, rồi cũng sẽ chẳng còn sự phân biệt về giới tính nào cả. Yêu đơn giản chỉ là thương nhau và muốn bên nhau thôi, không có bất cứ rào cản nào cả." Nhóm sinh viên cũng chia sẻ thêm về nhận định của họ, theo họ đây là một nhận định mang tính giải thoát cho quan niệm tình yêu. Bạn có thể yêu bất cứ ai mà bạn thích, không có rào cản nào trong tình yêu dù là tôn giáo, sắc tộc, địa vị xã hội, giàu nghèo, tuổi tác và ngay cả giới tính cũng thế. Bạn sống trước hết là sống cho riêng bạn tiếp theo là sống có ích cho xã hội này. Bạn có thể duy trì nòi giống bằng cách lấy người khác giới để sinh con đẻ cái, nếu bạn yêu người đó thì bạn quả thật hạnh phúc. Nhưng nếu bạn thấy bạn sẽ sống hạnh phúc hơn với người đồng giới và không nghĩ đến chuyện duy trì nòi giống thì cũng chẳng sao cả, miễn bạn vẫn sống và cống hiến tốt cho xã hội. Đa số người ta vẫn sẽ chuộng việc yêu người khác giới hơn vì đó đã là một chuẩn mực xã hội từ xa xưa, nhưng nếu bạn có yêu người đồng giới thì cũng là chuyện bình thường. Vì vậy hãy thoải mái hơn trong suy nghĩ để có thể đạt đến một tình yêu đích thực, không bị rào cản.

Tình dục và những vấn đề xung quanh nó vẫn còn là một chủ đề nhạy cảm với xã hội phương Đông. Tuy nhiên, theo yêu cầu của xã hội, chúng ta cần học cách mở rộng tầm quan sát và chấp nhận những điều khác biệt, vì bản thân mỗi cá thể là duy nhất, không ai giống ai. Nói về sự đa dạng trong thiên hướng tính dục, chúng ta tìm được nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Ngoài đồng tính, dị tính và song tính luyến ái, loài người còn có các thiên hướng như vô tính , toàn tính luyến ái , yêu động vật hoặc yêu một vật thể nào đó. Hầu hết chúng ta luôn cố gắng tìm kiếm sự lý giải cho những hiện tượng mà ta không ngờ tới trong xã hội, nhưng liệu điều đó có cần thiết? Chúng ta nên tìm cách giới hạn những định nghĩa mới trong thiên hướng tính dục, hay chấp nhận sự thật rằng con người đang sống trong một thế giới muôn màu và mỗi cá thể hoàn toàn có thể đem lại một điều gì đó mới mẻ cho hệ thống xã hội này?

Tự nhiên hay trái tự nhiên đều là những định nghĩa do con người tạo ra. Mọi hành động của con người đều nhằm vào việc chứng minh điều mình tin là đúng, vì vậy những điều được cho là tự nhiên sẽ có tần suất xuất hiện cao hơn những điều khác. Tóm lại, những gì chúng ta đang nhìn thấy ở xã hội loài người chỉ là sự phản chiếu niềm tin của chính chúng ta. Thuộc về một nhóm thiểu số không đồng nghĩa với việc đi ngược lại quy luật tự nhiên. Nhưng tước đoạt con người khỏi sự mưu cầu hạnh phúc và cá thể hóa của họ là điều cần tránh.

Thế giới muôn màu các bạn à! Hãy sống yêu thương, hãy để tình yêu được tự do các bạn nhé!

Bức ảnh này đã được thu nhỏ. Muốn xem kích cỡ đầy đủ (706x473) bạn click vào đây.


Bức ảnh này đã được thu nhỏ. Muốn xem kích cỡ đầy đủ (707x472) bạn click vào đây.


Bức ảnh này đã được thu nhỏ. Muốn xem kích cỡ đầy đủ (703x471) bạn click vào đây.



= = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = =

TP.HCM, Việt Nam, ngày 28 tháng 5 năm 2010

Tổng hợp và biên soạn: ukeapollo

Nguồn: LINH AN (Dallas, Mỹ) (Báo tuổi trẻ) ; Bách khoa toàn thư Wekipedia

Tư liệu hình ảnh: Facebook Anh và Cưng, Kenh14, Thùy Lâm - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008, Phim truyền hình "Life is beautiful", Phim "Hello my love", Phim "Titanic"

= = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = =

CHÚ THÍCH:

Thiên hướng tính dục: là một trong 4 yếu tố tạo nên tính dục người (3 yếu tố còn lại: giới tính sinh học, bản sắc giới, vai trò giới có tính xã hội), là sự hấp dẫn về mặt tình cảm và thể chất với một đối tượng thuộc giới nào đó.

Có 3 thiên hướng tính dục (THTD) thường gặp là:

+ THTD đồng tính (bị hấp dẫn bởi người cùng giới) ("giới" ở đấy là giới tính sinh học)

+ THTD dị tính (bị hấp dẫn bởi người khác giới)

+ THTD song tính (hay lưỡng tính) (bị hấp dẫn bởi người khác giới và cùng giới).

Ngoài ra còn những thiên hướng tính dục chiếm một bộ phận rất rất nhỏ như vô tính (không bị hấp dẫn bởi phái nào), toàn tính luyến ái (yêu một ai đó không cần biết tới giới tính của họ), yêu động vật hoặc yêu một vật thể nào đó.

Nên dùng thuật ngữ "Thiên hướng tính dục" thay vì dùng "khuynh hướng tính dục" hay "xu hướng tính dục". Tính dục là điều tự nhiên, không ai có thể quyết định được và rất khó cỏ khả năng thay đổi, nếu cố gắng thay đổi có thể dẫn đến nhiều tác hại. "Thiên hướng" mang ý nghĩa tự nhiên hơn, mang tính bản năng. Còn "Khuynh hướng""Xu hướng" có thể bị hiểu theo những nghĩa khác như việc học đòi, theo trào lưu hay tập nhiễm một hành động, phong trào nào đó.


-------------------------------------
Sưu tầm để dành đọc...hyhy


No comments:

Post a Comment