Sunday, March 18, 2012

GIÁ TRỊ BẢN THÂN

Hiểu đúng về giá trị bản thân thì phải thấy hết được hết các yếu tố cấu thành này:

Giá trị bản thân = giá trị bạn tạo ra x thời gian cung cấp giá trị x quy mô cung cấp giá trị.

Công thức này cho thấy, để nâng cao giá trị bản thân, bạn phải không ngừng trau dồi chuyên môn, liên tục rèn luyện những kỹ năng mềm và phải biết được đâu là những công việc tạo ra giá trị để dành thời gian, dồn lực và tập trung vào đó.

1. Giá trị bạn tạo ra: Giá trị không phải là cái bạn tự gán cho mình, mà là do người khác cảm nhận về bạn. Người ta cảm nhận giá trị của bạn qua 3 điều: những gì bạn làm được, những gì bạn giúp người khác làm được và những gì bạn lan tỏa ra xung quanh.

2. Thời gian cung cấp giá trị: Đừng lầm tưởng bất cứ việc gì bạn làm cũng tạo ra giá trị. Dù cho bạn có “cắm đầu cắm cổ” làm bằng sự hăng say và nhiệt tình thì cũng chẳng “nghĩa lý” gì nếu đó không phải là công việc bạn cần làm, bạn phải làm và bạn được trả lương để làm. Khi đi làm, mỗi một vị trí đều được công ty mong đợi đóng góp đúng điều công ty cần. Nếu bạn được trả lương cho việc chăm sóc khách hàng của công ty, thì bạn chẳng bao giờ được ghi nhận khi bạn ra sức tìm kiếm khách hàng. Nếu bạn được kỳ vọng ở việc thiết kế những ấn phẩm độc đáo cho công ty, thì chẳng những bạn không có điểm nào trong việc tiếp cận khách hàng mà còn bị điểm âm bởi không tập trung vào chính công việc của mình. Bạn nên làm việc với cấp trên trực tiếp của mình để biết họ mong đợi điều gì nhất nơi bạn, rồi hãy dành thời gian để tập trung vào công việc giúp sinh ra giá trị đó. Khi bạn tập trung vào công việc sinh ra giá trị càng nhiều thì giá trị của bạn càng cao.

3. Quy mô cung cấp giá trị: Một mình bạn, dù có “cày” hết sức thì đến một lúc nào đó bạn cũng sẽ không còn sức lực hay thời gian để tăng thêm giá trị của mình được nữa. Nếu đã tập trung làm việc cực kỳ hiệu quả trong suốt 8 tiếng, hoặc dù bạn dành luôn cả 24 tiếng để làm việc đi nữa thì cũng đến một giới hạn mà bạn không thể vượt qua để có thể tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Chìa khóa cho vấn đề này nằm ở việc tăng quy mô cung cấp giá trị. Thời gian và sức lực của một người thì giới hạn, nhưng của nhiều người thì vô hạn. Điều này có nghĩa là bạn phải tạo ra những người khác có thể làm công việc giống như mình, xây dựng một hệ thống làm việc tạo ra kết quả giống mình nhưng với số lượng tăng lên gấp nhiều lần. Khi tạo ra được những người có thể thay thế mình thì bạn sẽ bước lên một vị trí cao hơn và dĩ nhiên phần thưởng cho vị trí này sẽ xứng đáng hơn.


Diễn giả Quách Tuấn Khanh

Wednesday, March 14, 2012

Trai nghèo là trai bất tài !

8-3 vừa rồi, các nàng xinh xinh ở công ty xúng xính khoe nhau quà các chàng đã tặng. Nhiều anh ở văn phòng cứ liếc xéo liếc nghiêng, thỉnh thoảng trề môi khinh bỉ “thằng tình địch đó nó chỉ có tiền chứ đầu rỗng tuếch”! Còn mấy chị “hội người cao tuổi”, cứ chép môi “quà tặng vật chất thì chưa chắc đã hay. Đã có tấm lòng thì cái e-card không cũng cảm động lắm rồi”. 

Mình thấy thương thương các lão ấy cứ AQ, vì thật tâm mình tin chẳng có anh nào giàu mà đầu óc rỗng tuếch cả. Thực chất các anh nhiều tiền là do họ luôn nhạy cảm thị trường, biết nắm bắt cơ hội nhanh, quan hệ rộng rãi và tất cả các kiến thức có trong đầu được chuyển hóa hết thành tiền.

Trong khi những anh thạc sỹ, tiến sỹ có khi cả xấp bằng, nhưng chẳng có cái gì chuyển được thành thứ nhìn được, tiêu được!  

Còn các chị, có thật các chị nghĩ vậy không? Nếu vẫn còn xuân xanh, xinh đẹp và thông minh, lại học cao biết rộng, các chị có chắc là mình không “rung rinh” với các món quà đắt tiền, với cách chiều chuộng cực kỳ phóng khoáng của một chàng nhà giàu nào đó trong mớ đang theo đuổi, mà chỉ chăm chăm tìm tấm lòng trong những lời tặng trên thiệp hay không? 

Nếu có người thật lòng chỉ chọn “tấm lòng” như thế thật thì có lẽ nó chỉ tồn tại ở mấy chị 7x đời cuối mơ mộng và quá lứa mà thôi. Thử hỏi chọn mấy anh đấy làm chồng thì tã giấy hay sữa cho con sau này chắc cũng “ảo” được như ecard đấy nhỉ?

3 loại đàn ông bất tài

Theo mình quan sát, có ba loại đàn ông bất tài.

Loại thứ nhất, rõ ràng nhất là những chàng sau bao năm mà vẫn không có gì trong tay, chẳng có gì trong óc và cóc có gì trong túi. Chạy xe lọc cọc, quần áo xuềnh xoàng, lương tháng thường xuyên chỉ đủ xài đến hết ngày 25, cơm thì chỉ dám ghé chỗ quán bụi. Dạng này thì chị em mình nên tránh xa từ tám kiếp chẳng nên nói đến, dính vào các trai này dù có được cái “mẻ ngoài” kéo lại thì cũng chả để làm gì. Nghèo rớt mùng tơi là chuyện dĩ nhiên không còn gì bàn cãi.

Loại thứ hai là nhiều kiến thức trong đầu nhưng cũng chỉ để “chém gió” cho vui. Loại bất tài này đáng sợ nhất vì họ suốt ngày che giấu sự bất tài của mình và được vô số người bênh vực rằng chỉ vì họ “thiếu may mắn” mà thôi!

Loại thứ ba là những trai giàu “nhà có điều kiện”. Những cậu này được may mắn thừa kế gia tài do cha mẹ để lại, có sẵn cơ sở kinh doanh… nhưng không biết giữ và phát triển, chỉ ăn tiêu phá của, vung tiền qua cửa sổ cho gái bu quanh… Dạng này nói thực cũng chỉ là bất tài mà thôi, chẳng khá khẩm gì.

Chả có tiền nào bẩn!

Nhiều anh và cả chị viết blog thương bọn Lexus co chân lên ghế khi uống café trong quán sang, phỉ nhổ bọn nhà giàu là do tiền “bẩn”, chả có văn hóa, chỉ lươn lẹo và cơ hội, tận dụng quan hệ mà có tiền chứ tài cán gì. 

Theo mình thì chỉ có 3 loại tiền, tiền xu, tiền cotton và polymer, và không có loại nào là bẩn cả. Mình thấy anh đi xe hơi nào cũng sạch sẽ, lịch sự, áo tuyệt nhiên không có  mùi mồ hôi dầu. Mình cũng thấy họ mở cửa xe và nhường đường cho phụ nữ. Họ ăn uống cũng từ tốn, đặt cái ly xuống bàn cũng thấy đầy tinh tế và lãng mạn. Giày họ đi và cái bút họ ký long lanh hoa tuyết (*) cũng đều đẹp. 

Họ lươn lẹo, kiếm tiền bằng chụp giựt, bằng quan hệ… bằng kiểu gì gì đi nữa cũng là nhờ sự khôn ngoan và sáng tạo cả thôi. Thử hỏi không khôn ngoan, khéo ứng xử thì làm sao có quan hệ mà “lợi dụng”? 

Hơn nữa, đã là kẻ có tài thì bất kỳ ngành gì, nghề gì thì đều có thể tận dụng để trở thành chuyên gia, nhà tư vấn chuyên môn… kiểu gì cũng kiếm tiền tốt! Chẳng hạn như các bác đạo diễn đi làm giám khảo cho các gameshow truyền hình cũng catse cao ngất đó thôi! 

Chẳng biết khi nào dân ta mới bỏ kiểu chụp mũ bảo dân giàu có thừa tiền thường là tiền bẩn. Theo mình muốn giàu, muốn có tiền thì người giàu cũng phải bỏ công ra như ai. Cũng cùng một công như người khác, mà họ kiếm được nhiều tiền hơn, là họ có tài hơn còn gì!!

ANH THƯ
(*) Giải thích: bút hiệu MontBlanc

Tuesday, March 6, 2012

Bất cẩn làm chết con: Bài học đắt giá!

(Thật sự mới đọc vài dòng, đã hoảng không dám đọc...nhưng post cho cả nhà cùng cẩn thận với những ai có con nhỏ...)


Mất con là nỗi đau lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ. Nhưng mất con do lỗi bất cẩn của cha mẹ thì nỗi đau đó sẽ đi theo họ suốt cả cuộc đời. Sự dằn vặt, nỗi ân hận sẽ làm cho cả phần đời còn lại của họ trở thành địa ngục…

Trong cuộc đời, có rất nhiều thành công bắt đầu từ những sai lầm. Tuy nhiên, có những sai lầm không thể nào chấp nhận được, đó là sự bất cẩn dẫn đến cái chết của con trẻ. Đau đớn hơn, đó lại là sự bất cẩn của những ông bố, bà mẹ dẫn đến cái chết của chính đứa con máu thịt của mình…

Hôm qua (3/3), vụ việc người cha sơ xuất bấm cửa tự động kẹp chết con trai 4 tuổi ngay trước mắt mình đã khiến dư luận rúng động. Cái chết thương tâm, oan uổng của cháu bé một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự bất cẩn của người lơn mà hậu quả là cái chết thương tâm của con trẻ, bởi đây không phải là vụ đầu tiên.

Ngay cuối năm 2011, một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra ở Lào Cai, khi người bố hạ cửa cuốn tự động rồi bỏ đó để đi mà không biết đứa con bé bỏng của mình bị kẹp chết.

Cũng vào cuối năm 2011, hôm 3/12, đã xảy ra cái chết thương tâm của một cháu bé ngay tại Hà Nội. Trong lúc mẹ đưa chị gái đi học, cháu Lê Minh Đức (SN 2008, nhà ở chung cư No21, thuộc khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội) không may bị rơi từ tầng 9 xuống lan can tầng 2. Cháu Đức là con thứ hai của gia đình anh Lê Xuân Thái (SN 1963) và chị Trần Thị Hà (SN 1976). Buổi sáng, khi đưa chị gái của Đức đi học, chị Hà đóng cửa sau (cửa ra lan can) nhưng không khóa lại. Lan can của tòa nhà cao khoảng 1,3m (khu vực lan can dùng để phơi quần áo và rửa bát đĩa). Tại đây cũng có một chiếc ghế nhựa xanh nằm ngay sát thành lan can.

Bất cẩn làm chết con: Bài học đắt giá!

Người mẹ này đã  vô cùng đau đớn khi bị mất đứa con do rơi từ tầng 9 xuống trong lúc chị đưa con lớn đi học

Trường hợp cháu bé tử vong do bố mẹ bất cẩn để con ở nhà một mình không có người trông nom không phải là quá hiếm. Hôm 18/11/2010, một cháu bé 4 tuổi đã bị rơi từ tầng 11 của tòa nhà Artex – 172 Ngọc Khánh (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) xuống ban công tầng hai của tòa nhà này và tử vong trong khi mẹ cháu đang đi chợ.

Ngày 1/8/2007, cháu Đặng Xuân Phúc (cũng 4 tuổi), nhà ở khu bán đảo Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị rơi từ lan can tầng 11 xuống đất và tử vong. Nguyên nhân là vì trong lúc hoảng sợ khi tỉnh dậy mà không thấy mẹ, bé đã tìm cách mở cửa sổ kính, trèo ra ngoài và rơi xuống.

Không đến nỗi tử vong, nhưng một cháu bé đã bị bỏng đến mức nguy kịch cũng chỉ vì sự bất cẩn của người cha. Ngày 21/1/2010, anh Lê Thanh Hòa (SN 1974, ở tổ 20, KV3, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) đi xe máy chở con ruột là cháu Lê Đại Lợi (3 tuổi). Khi qua cua rẽ vào hẻm được khoảng 30m, anh Hòa đã đâm vào nồi cháo đang nấu trên hè nhà của gia đình anh Lê Văn Hùng (số nhà 249/1 Nguyễn Huệ, thuộc khu vực 3, phường Trần Phú). Cú đâm mạnh làm cháu Lợi ngã xuống, toàn thân cháu bé lọt tỏm vào nồi cháo đang sôi nên bỏng rất nặng.

Trẻ em chưa biết cách để tự bảo vệ mình, do vậy luôn phải ở trong tầm mắt của người lớn. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng làm được như vậy. Đặc biệt là ở nông thôn, rất nhiều trẻ em đã chết đuối do không được người lớn trông nom cẩn thận.

Ngày 7/1/2012, tại thôn Thanh Thủy Chánh thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã xảy ra vụ tại nạn thương tâm làm em Lê Diên Bảo (sinh năm 2006) bị chết do ngạt nước. Vào sáng ngày 07/01, Bảo đi theo bố là Lê DiênThọ (sinh năm 1971) ra trạm bơm tiêu úng của Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Thanh 2. Vì phải bận thao tác máy, hơn nữa anh Thọ cứ nghĩ Bảo sang nhà bà nội chơi (nhà ông bà nội ở gần trạm bơm) nên cũng không đi tìm.
Đến trưa cùng ngày, khi cả gia đình cùng nỗ lực đi tìm thì phát hiện đôi dép của Bảo nằm trên bờ đê. Linh tính thấy việc chẳng lành, anh Thọ liền lặn xuống đáy đơm cá của trạm bơm thì phát hiện Bảo đã chết.

Gia đình thường là nơi an toàn nhất của trẻ, và bố mẹ chính là những người bảo vệ tốt nhất của con. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những vụ việc trên đây thì có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống quá bận rộn khiến những ông bố bà mẹ không dành đủ thời gian cho con mình. Và, sự vội vã đó đã phải trả một cái giá quá đắt.

Hàng ngày, chúng ta vẫn tiếp tục thấy những người cha chở con phóng quá nhanh trên đường phố;

Nhiều bà mẹ để con ngồi vắt vẻo phía trước xe máy mà không có bất cứ thứ gì níu giữ;

Nhiều bà mẹ bỏ con nhỏ ở nhà để đi chợ, đón con... trong khi các ông bố có thể đang mải mê kiếm tiền, thậm chí đang uống bia.

Còn rất nhiều bậc cha mẹ để con nhỏ tha thẩn chơi một mình gần bờ ao, sông, suối; cạnh đường quốc lộ..

Họ có lẽ không nghĩ rằng, hàng trăm, hàng ngàn nỗi nguy hiểm đang rình rập con mình!

Mất con là nỗi đau lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ. Nhưng mất con do lỗi bất cẩn của cha mẹ thì nỗi đau đó sẽ đi theo họ suốt cả cuộc đời. Ở Việt Nam, chưa có tòa án nào xét xử những bậc cha mẹ bất cẩn gây nên cái chết của con, nhưng sự dằn vặt, nỗi ân hận sẽ làm cho cả phần đời còn lại của họ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Hãy dành đủ thời gian cho con bạn khi chưa quá muộn!

(tin Yahoo!!!)

Saturday, March 3, 2012

Thương yêu


Chợt nhân ra con người ta cần nhất là được thương yêu...

Từ trẻ nhỏ còn bồng trên tay cần được mẹ yêu thương, ấp ủ để mau lớn; đến cậu thanh niên đang tuổi dậy thì ương bướng cần được ba nghiêm từ dạy dỗ. Từ cô gái đang tuổi mộng mơ muốn được nếm sự ngọt ngào đắm đuối đến anh chàng thất tình cần được xoa dịu trái tim đau. Từ kẻ đơn độc ngỡ như làm bạn quen với con đường mòn độc hành cũng thèm những lúc có bữa cơm đầm ấp, đến người mẹ nuôi con 1 mình thầm mong có những lúc tìm được bạn tri kỷ để trải lòng...

Ai cũng cần được thương yêu !

Có chăng sự thương yêu đó thay đổi sắc thái và nhu cầu theo từng giai đoạn tuổi tác, gia đoạn cuộc đời. nhưng tựu trung thì tâm hồn con người luôn muốn được chia sẻ, được thấu hiểu, được đồng điệu...để những lúc nụ cười có người cùng giòn giã, lúc nặng lòng được òa khóc thỏa thê. Cuộc sống vốn dĩ khắc nghiệt và đòi con người ta phải luôn chiến đấu, nhưng cuộc sống cũng làm cho ta nhận ra, có những lúc ta đơn độc biết dường nào...để ý thức được rằng, tình yêu thương kia còn cần biết bao nhiêu...

Mình mới 28 tuổi. Không dám nói đã trải đời, nhưng cũng đã từng nhiều lần khóc. Đời nhiều lúc quất vào mình những nhát roi thấu xương, và mãi đến giờ vẫn còn buốt nhức...nhưng mà mình cũng tự thấy mình lớn dần... và biết thương yêu nhiều hơn. Chị mình và mình, thương yêu nhiều, nhưng cũng có lúc chạnh lòng nghĩ lại, mình cũng cần được thương yêu. Hay chí ít cảm thấy được đối xử công bằng. Nhưng mà đời thì lại khá nhẫn tâm... thôi thì... để qua 1 bên, cho nhẹ lòng đi nhiều...

Cuộc sống ngắn. Đúng thật nó quá ngắn...

Thôi thì bớt nghĩ 1 chút về chuyện không vui. Mạnh mẽ 1 chút từ chối những nguy cơ đau buồn và thương nhiều hơn những thương yêu đang có...

(Viết sau khi cảm thấy cuộc đời cần lắm sự thương yêu...)