Wednesday, January 14, 2009

Điển tích và nhầm lẫn...

Kata có cái hứng thú sưu tầm. Đặc biệt đối với những điển tích lại càng hứng thú. Có đôi khi đọc truyện Kiều hay là đọc mấy bài thơ Đường, đến những điển tích mà mình biết lại cảm giác sướng tê người khi chẳng uổng công mình tìm hiểu từ trước...
Đọc sách nhiều, tham khảo nhiều lại phát hiện ra nhiều dị bản đáng sợ. Tây Thi mà bảo là cống hồ, có nét đẹp "lạc nhạn", trong khi rõ ràng tích này nói về nàng Chiêu Quân, ai cũng biết... Còn nàng Lý Diên Viên lại có nét đẹp "nghiêng nước nghiêng thành", trong khi từ xưa, "nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc" là nói về nét đẹp thần sầu của nàng Bao Tự...
Ôi, càng đọc càng thấy nhầm lẫn tai hại... Chẳng hiểu những người lần đầu đọc những điển tích này sẽ dẫn họ đến những hiểu biết sai lệch cỡ nào, và những người đã biết qua những điển tích hay cảm thấy xót xa bao nhiêu...Ấy vậy mà, người ta nhẫn tâm viết những điều sai lệch đó thành sách, và bán rộng rãi ra ngoài...Thật khiến cho cả 1 nền kiến thức bị sai lầm.
Nhớ lại bản Tấm Cám mà xót. Trước 75, hẳn nhiều người từng nghe, từng biết về 1 nàng Cám tội nghiệp có cô em Tấm và bà dì ghẻ...vậy mà bây giờ lại đổi ngược lại? Nghi vấn này, ai sẽ trả lời đây... Dị bản ở đâu cũng có, nhưng mà sai đến 180 độ như thế thì thật là xót...
Bởi vậy, quyết tâm đi sưu tầm và đọc thật nhiều bản, để có những entry chính xác nhất trong khả năng để trước là cho mình thêm hiểu, sau là bạn bè có ghé qua chơi cũng có chút hiểu biết chính xác mang về...nhằm khi đọc những bản cổ thư hay là trong lúc nói chuyện viện dẫn những thành ngữ, điển cố để làm đẹp cho lời ăn tiếng nói...

Giấc Mộng Nam Kha

Trong tiếng Hán có một câu thành ngữ “Giấc mộng Nam Kha”, được dùng để hình dung cõi mộng hoặc một không tưởng không thể thực hiện được của một người nào đó. Thành ngữ này có nguồn gốc từ cuốn tiểu thuyết “Tiểu sử Nam Kha Thái Thú” của tác giả Lý Công Tá đời Đường Trung Quốc thế kỷ 9 công nguyên.

Một người tên Thuần Vu Phân, ngày thường thích uống rượu. Trong sân nhà ông có một cây hòe lớn rễ sâu cành rậm, một đêm giữa hè, trăng tỏ sao thưa, gió thổi hiu hiu, chỗ dưới cây hòe là một chỗ hóng mát tốt.

Vào ngày sinh nhật của Thuần Vu Phân, người thân và bạn bè đều đến chúc thọ, ông vui mừng quá, và uống nhiều chén rượu. Sau khi người thân và bạn bè về nhà, Thuần Vu Phân ngà ngà say hóng mát dưới cây hòe, bất giác ngủ quên.

Trong giấc mơ, nhận lời mời của hai sứ thần, Thuần Vu Phân bước vào một lỗ cây. Trong lỗ có thời tiết tốt đẹp, là một thế giới riêng biệt, có nước Đại Hòe. Lúc đó, kinh thành đang tổ chức cuộc thi lựa chọn quan chức, ông cũng đi đăng ký. Ông đã thi ba cuộc, viết văn rất suôn sẻ. Khi công bố kết quả cuộc thi, ông đứng đầu bảng. Tiếp theo nhà vua tổ chức thi đình. Nhà vua nhìn thấy Thuần Vu Phân vừa đẹp trai, vừa tài ba lỗi lạc, nên hết sức ưa thích, rồi chọn ông là trạng nguyên, và gả công chúa cho ông. Trạng nguyên trở thành phò mã, nhất thời việc này được truyền thành giai thoại ở kinh đô.

Sau khi lấy nhau, vợ chồng hết sức đằm thắm. Không lâu, Thuần Vu Phân được nhà vua cử đến quận Nam Kha làm thái thú. Thuần Vu Phân cố gắng làm việc và quý mến nhân dân, thường đến địa phận quận Nam Kha điều tra nghiên cứu, kiểm tra công tác của bộ hạ, công tác hành chính ở các địa phương đều rất liêm khiết và có trật tự, nhân dân địa phương hết sức khen ngợi. Ba mươi năm trôi qua, thành tích của Thuần Vu Phân đã nổi tiếng khắp toàn quốc, và ông đã có 7 con, 5 trai 2 gái, cuộc sống rất hạnh phúc. Nhà vua mấy lần muốn điều động Thuần Vu Phân về kinh thành đảm nhiệm chức vụ cao hơn, nhưng sau khi được biết, nhân dân địa phương kéo nhau lên phố, ngăn lại xe ngựa của thái thú, thỉnh cầu ông tiếp tục làm quan thái thú quận Nam Kha. Thuần Vu Phân cảm động trước sự yêu mến của nhân dân, đành phải lưu lại, và trình thư lên nhà vua giải thích rõ tình hình. Nhà vua rất vui mừng trước thành tích công tác chính trị của ông, và ban thưởng cho ông nhiều vàng bạc châu báu.

Một năm, nước Thiện La cử quân đội xâm phạm nước Đại Hòe, các tướng quân nước Đại Hòe thừa lệnh chặn đánh địch, bất ngờ bị đánh bại nhiều lần. Tin thua trần truyền tới kinh thành, nhà vua bị choáng, khẩn cấp triệu tập quan chức văn võ thương lượng cách đối phó. Nghe nói quân đội mình nhiều lần bị đánh bại ở tiền tuyến, địch hết sức mạnh mẽ đã tiến gần kinh thành, các đại thần sợ hãi đến nỗi tái mặt, đại thần này nhìn đại thần kia, đành chịu bó tay.

Nhìn thấy thần sắc của đại thần, nhà vua hết sức tức giận và nói: “Nhà ngươi ngày thường ăn ngon ở nhàn, hưởng thụ hết vinh hoa phú quý, một khi nhà nước gặp khó khăn, nhà ngươi lại trở thành quả bầu không có mồm, hèn nhát khiếp trận, cần nhà ngươi có tác dụng gì?”

Tể tướng chợt nghĩ tới ông Thuần Vu Phân, thái thú quận Nam Kha có thành tích công tác xuất sắc, bèn giới thiệu với nhà vua. Nhà vua ra lệnh ngay, điều động Thuần Vu Phân điều khiển quân đội tinh nhuệ toàn quốc đánh địch.

Sau khi nhận được mệnh lệnh của nhà vua, Thuần Vu Phân lập tức dẫn quân xuất chinh. Nhưng ông không biết gì về phép dùng binh, vừa giao chiến với quân địch, đã bị thua liểng xiểng, chiến sĩ và ngựa bị tổn thất nặng nề, ông xuýt nữa bị bắt. Được tin này, nhà vua hết sức thất vọng, ra lệnh truất bỏ mọi chức vụ của ông, giáng xuống làm bình dân, và đưa về quê. Thuần Vu Phân nghĩ tên tuổi anh hùng của mình bị phá hủy hoàn toàn, hết sức xấu hổ và tức giận, kêu một tiếng thật to, ông tỉnh dậy từ giấc mơ. Ông theo cõi mộng đi tìm nước Đại Hoè, hóa ra dưới cây hòe có một lỗ con kiến, những kiến đang cư trú ở đó.

“Giấc mơ Nam Kha” có khi cũng chỉ đời người như giấc mơ, phú quý quyền thế đều là hư ảo.

(theo China ABC)

Nghi án Đạm Tiên

Chúng ta ai cũng say mê Truyện Kiều và không ít thì nhiều cũng thuộc một vài đoạn. Những lúc học giảng văn, mê nhất là giờ giảng về truyện Kiều. Hồi ấy, sau khi giảng xong, thầy giáo bắt chúng ta học thuộc lòng đoạn đã học để tuần sau lên trả bài. Trong những đoạn học thuộc lòng ấy có đoạn Kiều du thanh minh. Nhưng đến khúc Kiều gặp mả Đạm Tiên thì chúng ta không được học. Tuy nhiên rất nhiều người vì mê Kiều nên vẫn thuộc cả khúc đó. Thế cho nên bây giờ, sau mấy chục năm, Kiều nằm trong ngăn xó xỉnh nào của tiềm thức, đã nhảy xổ đến khiếu nại rằng: Có một nghi án cần phải bàn thêm trong đoạn nầy.

Nhưng trước khi chúng ta giở hồ sơ vụ án, chúng ta thử thẩm định lại lúc ba chị em Kiều du thanh minh là bao nhiêu tuổi. Theo tiên sinh Nguyễn Du thì Kiều lúc ấy là mười sáu tuổi. Thúy Vân nhỏ hơn Kiều ít nhất một tuổi. Như thế Vương Quang lúc đó vào khoảng mười bốn hay mười ba... Cứ đọc lại đoạn cuối tả về hai chị em Kiều


"... Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cặp kê
Êm đềm trướng rũ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai..."

Thì biết là Kiều chỉ mới mười sáu tròn trăng. Hai câu tiếp chứng tỏ rằng gia phong nhà Viên Ngoại không phải là thường tình mà sống rất cách biệt với bên ngoài. Sống theo giai cấp thượng lưu thời đó, trướng rũ màn che, tường cao kín cổng...

Khi Kiều thắc mắc mả của ai bị bỏ phế hoang tàn bên đường, cỏ nửa vàng nửa xanh thì anh nhóc con mới mười bốn hay mười ba tuổi nầy nói rành rọt từng ly từng tí. Nhớ hồi chúng ta còn tuổi đó, miệng còn hôi sữa, cái tuổi nhóc tì ăn chưa no lo chưa tới, học quên trước quên sau, thấy con gái thì run như thấy... Thế mà anh chàng Vương Quang nầy lại chẳng những kinh sử thuộc làu mà còn biết những điều với cái tuổi ấy không nên biết! Nhóc tì đã biết rất rành mả của một ca nhi và là gái làng chơi. Anh chàng còn nắm vững cả lý lịch trích ngang của người dưới mộ! Anh chàng nhóc tì đã kể rất chi tiết về người nằm dưới mộ thảm đến nỗi khơi lòng trắc ẩn của người chị vốn đa tình đa tài và lãng mạn khóc hết nước mắt. Nàng còn làm thơ trước mộ để khóc người xưa...


Vương Quang mới dẫn gần xa,
Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi
Nổi danh tài sắc một thì
Xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh
Phận hồng nhan quá mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương...
Đã thế anh Nhóc còn biết nhiều hơn dự đoán rằng:
Có người khách ở viễn phương,
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi
Thuyền tình vừa ghé đến nơi
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ
Buồng không lạnh ngắt như tờ
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.
Khóc than chi xiết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là mình với ta
Đã không duyên trước chăng là
Thì nay chút đỉnh gọi là duyên sau
Sắm sanh nắp tử xe châu
Vùi nông một nắm mặc dầu cỏ hoa
Trải bao thỏ lặng ác tà
Ấy mồ vô chủ ai mà biết tên...!

Chúng ta cứ thử tưởng tượng, nếu lúc ấy ta đang trốn trong một bụi rậm nào đó cạnh mả Đạm Tiên, quan sát ba nhóc tì kể lể chuyện người xưa và khóc lóc rồi làm thơ đề.... Nếu chúng ta còn nghe Vương Quang khuyên chị "...Hơi đâu nước mắt khóc người ngày xưa...!" thì chúng ta sẽ kinh ngạc rằng sao thời xưa con người khôn sớm, biết sớm hơn chúng ta một trời một vực. Với cái tuổi ấy, chúng ta đang ngơ ngác với những gì trải ra trước mắt và học hỏi đủ điều mà vẫn ngu, vẫn khờ. Ngơ ngác như nai vàng, nhất là khi thấy bóng người mình yêu thầm nhớ trộm thì trốn... Chỉ có biết nhìn, chọc ghẹo ngổ ngáo và cuối cùng là bị chửi...

Tiên Sinh Nguyễn Du đã cho Vương Quang quá nhiều sự hiểu biết so với số tuổi mà anh nhóc tì nầy đang có. Chẳng ai biết ngôi mộ nầy là của ai, chẳng có bia hay một dấu vết nào. Đó chỉ là một nấm đất "sè sè" thấp xịt và cỏ thì mọc lưa thưa nửa chết nửa sống... Thế tại sao Vương Quang lại chỉ danh được một cách rành mạch người con gái xấu số đang nằm dưới mộ! Thời của Vương Quang là thời khép kín, học hành kinh sử chỉ biết đến Tứ Thư Ngũ Kinh và chuyện thánh hiền, trung thư hữu nữ... Thế mà anh đồ nhóc nầy biết những chuyện ca nhi trong giới ăn chơi giang hồ thì thật là hiếm thấy.

Trở lại cái gia đình "thường thường bậc trung" của ông bà Viên Ngoại. Với sự diễn tả vào đầu thì cảnh thanh bình có một không hai:


Rằng Năm Gia tỉnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng
Có nhà Viên Ngoại họ Vương
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung...

Đất nước đang thanh bình, chẳng có chiến tranh và ly loạn, thế mà bọn gian tà buôn người lại hoành hành như chỗ không luật pháp. Chúng đã cấu kết với quan lại tham ô để hại dân thường. Thế thì đâu phải là bốn phương phẳng lặng được... Cha của Kiều đang là Viên Ngoại, có nghĩa là cũng rất có thớ trong cái làng xã xóm thôn ấy. Chỗ đứng trong xã hội của nhà họ Vương đâu phải thấp hèn gì. Chung quanh là tường cao kín cổng, trướng rủ màn che... Thế mà khi đụng chuyện thì chẳng có ai giúp đỡ đến nỗi Kiều phải bán mình chuộc cha. Nhưng cái gia tài Viên Ngoại làm gì mà không đủ 300 lạng nạp cho quan để phải cắn răng bán đứa con cưng trong nhà... Nhất là gia đình theo Nho giáo, thà đi tù chứ không hề chịu nhục !

Một bài thơ rất độc của một nhà thơ thời sau đã mỉa mai:


Thằng bán tơ giở giói ra,
Làm cho động đến cụ Viên già,
Muốn yên phải nạp ba trăm lạng
Vì hiếu nên liều một chiếc thoa
......
Ngày trước làm quan cũng thế a!

Thế thì nói cho cùng, tất cả các thói đời gian trá và tham quan ô lại, ăn chơi đàng điếm... đều có từ trong thời xửa thời xưa. Cái thời mà ông cha ta nói là thời Nho giáo, lấy Tứ thư Ngũ kinh và chính nhân quân tử làm đầu. Cấm bắt chước hay đọc dâm thư:


Là trai chớ đọc Phan Trần,
Là gái chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều...

Nhưng đời nào cũng thế, nếu không có những điều bỉ ổi, gian tà, tham quan ô lại thì làm gì có những áng văn hay... Hay như cuộc đời!

Trở lại mả Đạm Tiên và ba nhóc tì đang khóc người dưới mộ. Chúng ta thấy có một cái gì đó lấn cấn, mà tiên sinh Nguyễn Du, tác giả cố tình quên để cho người hậu sinh phải tìm tòi thắc mắc. Đó là câu chuyện nàng ca nhi qua cửa miệng cửa anh đồ gàn nhóc Vương Quang:

Thuyền tình vừa ghé đến nơi
Thì đà "trâm gãy bình rơi bao giờ"
Buồng không lạnh ngắt như tờ
" Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh"
......
"Sắm sanh nắp tử xe châu"
"Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa"
"Trải bao thỏ lặn ác tà"
"Ấy mồ vô chủ ai mà biết tên..."


Nàng ca nhi nổi tiếng đến nỗi mãi tận phương xa cũng có người nghe tiếng, lặn lội đến tìm chơi. Nên nhớ rằng hồi bấy giờ phương tiện di chuyển rất là hạn hẹp, đi bộ hay đi ngựa hoặc xe cáng có người khiêng... Đường sá là những đường mòn chứ chẳng phải lái xe phoong phoong như bây giờ. Cũng chẳng có điện thoại cầm tay, vừa lái xe vừa "talk" như bây giờ... Thế mà người xưa cũng đa tình đến độ phải lặn lội tìm người trong mộng! Khi thuyền tình vừa ghé bến thì mới hay nàng đã ra người thiên cổ. Không phải mới chết mà đã chết lâu rồi : "Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh...!" Thế thì người ca nhi chết từ lâu mà mà sao chẳng có ai chôn cất. Khi anh chàng đa tình viễn xứ đến thì mới khóc than về thân phận vô duyên của mình không gặp được người trong mộng. Sau đó mua sắm quan tài để tẩm liệm cho người xấu số. Nhưng anh chàng nầy lại còn quên không làm bia trước mộ, cho nên nó trở thành mồ vô chủ không tên. Anh chàng còn vội vàng chỉ "vùi nông" thôi thì cũng thật là đau đớn cho nàng...

Ông "học giả" Vũ Ngọc Uyển thân mến của chúng ta trong nhóm Lại Giang bênh vực cho người xưa rằng hồi ấy có tục cải táng. Lúc Đạm Tiên chết thì người nhà đem chôn vội vàng, chờ ba năm sau mới cải táng. Anh chàng đa tình viễn phương ấy đã đến cải táng cho người xấu số...! Chúng ta thử nhìn lại những câu thơ nói về Đạm Tiên thì chẳng thấy lời giải thích của nhà thơ kiêm chiêm tinh gia, kiêm văn học sử gia họ Vũ hợp lý ở chỗ nào! Đạm Tiên chết chắc chắn là một thời gian khá dài trước khi anh chàng dân chơi tìm đến. Những lối mòn vào nhà cô nàng đã rêu phong. Không có một câu nào của tác giả nói lên rằng anh chàng nầy mua quan tài cải táng cho Đạm Tiên. Nhưng nếu gọi là cải táng thì tại sao phải vội vã "vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa..." Đã cải táng đàng hoàng thì sao không khắc một mộ bia cho nàng, để đến nỗi trở thành "mả lạng":


... Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa
Trải bao thỏ lặn ác tà
Ấy mồ vô chủ ai mà biết tên...

Đây là một nghi án về mặt luật pháp. Đạm Tiên từ lúc chết đến lúc được chôn cất, ít ra cũng là sáu tháng hay một năm (?). Như thế tính từ khi nàng chết, mà là bất đắc kỳ tử (Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương). Nếu thời bây giờ thì ta cho là nàng chết vì bệnh AIDS hay bị đầu độc... Mọi của cải tiền bạc do nàng làm ca nhi và gái làng chơi nổi tiếng ấy... Ai đã "cuỗm" mất và "chuồn"... Để cái xác nàng trên giường một thời gian dài. Có thể lúc người khách đa tình nọ đến, anh ta thấy một bộ xương người nằm đó. Thương người xấu số nên chàng ra tay tế độ. Thế mà cũng chẳng làm cho tới nơi tới chốn. Đem vùi "nông" chứ chẳng có vùi "sâu" và chẳng khắc được một tấm bia nhỏ để trước mộ cho người sau biết đến...

Thế mà Vương Quang chỉ mới có mười ba hay mười bốn tuổi biết rất rành và chính xác. Nhóc tì đã kể từng chi tiết nhỏ khiến cho Kiều lệ rơi hai hàng. Kiều còn than:


...Sống làm vợ khắp người ta
Đến khi thác xuống làm ma không chồng...


Lời than và tiếng khóc cùng bài thơ hoài cảm đã đánh thức người xưa dậy. Đạm Tiên hiện về với Kiều và nhập vai Kiều trở thành Đạm Tiên. Nếu Vương Quang nói sai lý lịch mồ vô chủ sè sè bên đường, cỏ cằn cỗi gần chết, không đúng là mộ Đạm Tiên thì sao Đạm Tiên lại linh hiển chứng giám... Đến bây giờ chẳng ai chứng minh được tại sao nhóc con họ Vương nầy biết rành chuyện chơi bời của người xưa như thế...

Thôi thì "cảo thơm lần giở trước đèn..." Chúng ta đưa ra một phần của những gì chúng ta trân trọng lâu nay để gọi là góp phần vào cho người đời sau suy nghĩ! Nó cũng chẳng phải phê bình tác giả thiếu sót hay cố ý mà đây là bài phiếm luận bàn chơi cho vui nhộn cuộc đời. Mong những bậc trưởng thượng cùng những thức giả đừng nghĩ rằng bài nầy viết ra nhằm mục đích đả phá hay châm chích. Thuần túy nó chỉ là những suy nghĩ nông cạn. Mong có lời góp ý cũng như dạy dỗ để kẻ hậu sinh nầy được mở mắt.

(theo Phiếm luận của Lê Anh Dũng -http://www.ninh-hoa.com/LeAnhDung-NghiAnVeDamTien.htm)
đọc chơi cho vui...^.^

Trúc Lâm Thất Hiền

Trúc lâm thất hiền, bảy nhà thơ, nhà văn Trung Quốc sống thời kì cuối Ngụy đầu Tấn, thế kỉ thứ 3, ở ẩn trong rừng trúc, đánh đàn, uống rượu, ngâm thơ, bàn triết học Lão Trang, nói chuyện huyền viễn để tỏ lòng chống đối chế độ đen tối đương thời. Trong số đó, nổi tiếng nhất là Nguyễn Tịch và Kê Khang. Nguyễn Tịch (210 - 263) có 82 bài "Vịnh hoài thi" nói lên nỗi bất mãn của ông trước hiện thực và nỗi lo lắng buồn thương cho cuộc đời, nhưng lời lẽ rất kín đáo. Ông "dùng khí mà làm thơ" (Lưu Hiệp), cho nên "khó biết ông nói gì", người đọc chỉ phỏng đoán. Bài "Đại nhân tiên sinh truyện" là một bài ca, nhà thơ dùng hình tượng "Đại nhân tiên sinh" để tả tâm tình bi quan, tuyệt vọng của mình trước "ngày cuối cùng", "vũ trụ tan vỡ", không tránh được. Kê Khang (223 - 263) sở trường về tản văn, tác phẩm nhuốm màu sắc Lão Trang (Lao Zhuang) rất đậm, nhưng tâm tình phẫn nộ, bất bình bộc lộ khá rõ. Tính ông lại cương trực, "quá thanh cao" nên cuối cùng ông bị họ Tư Mã giết hại. Cả hai ông đều nhất trí phủ định lễ giáo của Nho gia, vì họ Tư Mã và bọn tay sai lợi dụng thứ Nho giáo này chuẩn bị lấy hình thức "vua nhường ngôi" che đậy việc tiếm quyền. Ngoài ra, Lưu Linh cũng sống phóng túng, ngạo mạn, có bài "Tửu đức tụng" được lưu truyền.
Trúc lâm Thất Hiền có tên kể ra sau đây:
Nguyễn Tịch (210-263)
Kê Khang (223-263)
Lưu Linh (220-300)
Sơn Đào (205-283)
Hướng Tú (221-300)
Vương Nhung (234-305).
Nguyễn Hàm

Trúc lâm chứa đặng bảy ông Hiền,
Vì bỏ tục trần mến cảnh Tiên.
Hồng cấu đã chui thân phải vấy,
Hơn thua cười kẻ biết nơi tiền.

1. NGUYỄN TỊCH (210 - 263):

Nguyễn Tịch, tên chữ là Tự Tông, người đất Trấn Lưu, con của Nguyễn Vũ, một trong Kiến An Thất tử.

Nguyễn Tịch có dung mạo khác thường, chí khí mở rộng, tự nhiên, một mình độc lập, phóng túng tự do, mà mừng giận không hiện ra nét mặt, thường đóng cửa ở trong nhà đọc sách, có khi hàng tháng không bước chân ra ngoài, có khi trèo lên núi ngao du sơn thủy hàng mấy ngày quên trở về.
Nguyễn Tịch đọc rất nhiều sách mà thích nhứt là sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Nam Hoa Kinh của Trang Tử.
Ông thích uống rượu, biết thổi sáo, giỏi đàn cầm, đương khi đắc ý chợt quên hình hài mà siêu thần nhập hóa. Người đời cho ông có si tính hay máu điên.
Vì có cái cuồng danh đó mà Tư Mã Chiêu (con của Tư Mã Ý) đem lòng ngưỡng mộ, muốn kết thân với Nguyễn Tịch, nhưng ông không chịu nên cố ý say sưa luôn 60 ngày đêm để khỏi gặp Tư Mã Chiêu.
Bề ngoài của Nguyễn Tịch trông rất phóng đãng, nhưng bên trong rất thuần chính. Hành động phóng đãng là giả vờ để tránh tai họa, bảo trọng lấy thân mà thôi.
Ông nhìn thấy triều đình càng lúc càng suy yếu, quan lại chuyên quyền, dua nịnh, ông rất đau lòng, nên đã kết tinh vào tác phẩm "Vịnh Hoài" của ông, một tập thơ bất hủ gồm 82 bài thi, một kiệt tác của thời bấy giờ. Tấm lòng của ông bao la, tầm mắt rộng lớn mà không gặp được người đồng khí tương cầu nên đã phát tiết bi thương trong thơ văn đến độ mãnh liệt.
Nguyễn Tịch có viết sách "Đạt Trang Luận", trong đó, ông xác định Triết lý tự nhiên, luôn luôn ý thức cái lý đồng nhứt trong sai thù.
Nguyễn Tịch có cặp mắt rất đặc biệt, khi vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt xanh, còn không vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt trắng. Khi mẹ Nguyễn Tịch mất, ông Kê Hỷ mang đồ lễ đến viếng, Nguyễn Tịch tiếp nhìn với đôi mắt trắng dã. Hỷ ra về mà bụng không bằng lòng. Em của Kê Hỷ là Kê Khang nghe biết chuyện đó, mới mang rượu và cắp đàn đến, thì Tịch rất vui, vừa ý lắm, tiếp Kê Khang với đôi mắt xanh.
Năm thứ tư đời Cảnh nguyên, tức là năm 263, Nguyễn Tịch mất, hưởng được 54 tuổi.
Kê Khang thường ca tụng Nguyễn Tịch rằng: Nguyễn Tự Tông, miệng không bàn lỗi của người. Ta mỗi khi bắt chước điều ấy mà không kịp được, cùng cực bẩm tính hơn người, với sự vật không thương tổn, chỉ có cái uống rượu quá mức thôi.

2. KÊ KHANG (223 - 263):

Kê Khang, tự là Thúc Dạ, ở Tiêu Quận, sớm mồ côi, có kỳ tài, thân hình cao lớn, có phong nghi, thiên chất tự nhiên, tánh tình điềm đạm, ít ham muốn, khoan dung giản dị.

Ông tự học mà giỏi, sở trường về cái học Lão Trang.
Ông trước tác được hai bộ sách: Thích Tứ Luận và Thanh Vô Ai Lạc Luận. Trong hai cuốn sách nầy, ông lấy chủ nghĩa tự nhiên để bài bác học thuyết của Nho gia.
Ông quan niệm nhân cách của người quân tử có được không phải lấy lễ giáo bên ngoài mà uốn nắn con người, đẽo gọt thiên nhiên. Ông cũng chống lại tất cả các suy luận trí thức về phải trái, đúng sai. Ông chỉ cốt làm sao cho được Tâm hư để noi theo Tánh mà sống, vì tự nhiên chính là đạo lý.
Sách Thế Thuyết có kể chuyện rằng: "Chung Hội (225-264) làm quan, làm tướng, có viết sách, lấy làm tiếc vì chưa có dịp gặp Kê Khang, cho nên ngày kia, Chung Hội cùng với vài người thân tín đến viếng Kê Khang.
Sở thích của Kê Khang là rèn đồ kim khí. Chung Hội đến thì thấy Kê Khang đang rèn sắt dưới gốc cây lớn. Hướng Tú thì giúp Kê Khang thổi ống bể, còn Kê Khang thì vẫn tiếp tục đập sắt như không có khách đến. Chung Hội bị bẽ mặt, đứng nhìn một lát rồi bỏ đi.
Kê Khang hỏi: - Đã nghe gì mà tới? Đã thấy gì mà đi?
Chung Hội đáp:
- Tới vì nghe cái đã nghe, đi vì thấy cái đã thấy."
Người đời Tấn rất thích cái vẻ đẹp thể chất và tinh thần của Kê Khang. Người ta sánh ông với núi ngọc hoặc cây tùng.
Có lẽ vì vậy mà Chung Hội mới nói đã nghe và đã thấy.
Trước kia, có một hôm, Kê Khang đi chơi ở đất Lạc Tây, trọ ở Hoa Dương Đình, đêm ngồi khảy đàn, chợt có một người khách đến tự xưng mình là người thời cổ, rồi cùng Kê Khang bàn luận âm luật, lời lẽ rành rọt thấu đáo lắm. Nhân đó, ông khách truyền cho Kê Khang khúc nhạc Quảng lăng tán, dặn Kê Khang không truyền cho ai khác.
Đánh lên khúc đàn Quảng Lăng thì nghe lưu loát, thảnh thoát như nước chảy (lưu thủy), mây bay (hành vân).

Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả tiếng đàn của Kiều khi nàng gẩy cho Kim Trọng nghe buổi sơ ngộ, có câu:

Kê Khang này khúc Quảng Lăng,

Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân.


Có người cho rằng đây là hai bản nhạc Lưu thủy và Hành vân, nhưng so với mạch văn thì không phải như thế. Lưu thủy, Hành vân đây là giải thích cái điệu lưu loát của khúc Quảng Lăng.

Về sau, khi Kê Khang bị Tư Mã Chiêu đem ra hành hình ở phía chợ đông, Kê Khang quay nhìn bóng mặt trời rồi cầm đàn gảy nói rằng:
- Trước kia khúc Quảng lăng tán nầy có người tên Viên Hiếu Nê thường theo ta để học nhưng ta không truyền được, nay khúc Quảng lăng tán nầy từ nay mất đi.
Kê Khang bị Tư Mã Chiêu ra lịnh giết chết năm ông được 40 tuổi.
Các nhà phê bình đều cho rằng: thơ của Nguyễn Tịch và của Kê Khang ý tứ rất khác nhau. Thơ của Nguyễn Tịch thì ý chỉ thâm thúy, của Kê Khang thì khí vận tuấn thanh. Tài hoa của Nguyễn Tịch thì như mùa Xuân thơm ngát, còn tâm tình của Kê Khang như mùa Thu trong trẻo. Nhưng có điều, là Nguyễn Tịch dùng cái cuồng để làm kế bảo toàn tấm thân, còn Kê Khang lại bị cái cuồng mà phải sát thân.

3. LƯU LINH (220 - 300): Lưu Linh, tự là Bá Luân, người đất Bái, thân hình xấu xí, phóng tình tứ chí, thường lấy sự coi nhỏ vũ trụ xem bằng muôn vật làm tâm, lạnh nhạt ít lời, không quen giao du, cùng với Nguyễn Tịch và Kê Khang tương ngộ, tinh thần hớn hở, dắt tay vào rừng. Lúc đầu không chút ý kiến gì về tài sản có không nói: "Ta chết chôn cho ta." Đấy khinh bỏ thân thể đến thế.
Lưu Linh hay uống rượu, nổi tiếng về rượu hơn hết trong Trước lâm Thất Hiền, uống rượu bao nhiêu cũng không say.
Một hôm, ông bảo vợ đi lấy rượu. Vợ ông đổ rượu đi và đập bể vò rượu, khóc mà can rằng:" Ông uống rượu nhiều quá, không phải là cái đạo nhiếp sinh, ông phải bỏ bớt rượu đi." (Nhiếp sinh là thu nhiếp tinh thần để nuôi sức khỏe).
Lưu Linh nói: "Phải, ta không thể tự cấm được, phải cầu quỉ thần lên để thệ nguyện mới được. Vậy phải đủ rượu thịt làm lễ chứ!"
Vợ liền nghe lời, lo sắm sửa đủ các thứ.
Xong, Lưu Linh bèn quì mà khấn rằng:
"Thiên sanh Lưu Linh, Trời sanh Lưu Linh,
Dĩ tửu vi danh, Lấy rượu làm danh,
Nhất ẩm nhất hộc, Mới uống một vò,
Ngũ đẩu giải tỉnh, Năm đấu giải tỉnh,
Phụ nhân chi ngôn, Lời nói đàn bà,
Thận bất khả thính." Cẩn thận đừng nghe.

Khấn xong thì đem rượu thịt ra, ăn uống li bì, say say tỉnh tỉnh.
Tuy Lưu Linh mê man phóng túng, nhưng khi gặp việc thì ứng biến chẳng sai, ít khi thác ý vào văn thơ, duy có làm bài phú "Tửu đức tụng" nổi tiếng, ca tụng người uống rượu.
Bài phú Tửu đức tụng, diễn nôm ra sau đây:

1. Chàng là một người đầy cao quí,
Đối với chàng, Trời Đất chỉ là một buổi sáng,
Và vĩnh hằng chỉ là một thoáng chốc.
Mặt trăng và mặt trời chỉ là những cánh cửa sổ,
Tám sa mạc là sân nhà chàng.
Chàng đi không để lại dấu vết,
Không ở tại một ngôi nhà nào.
Lấy trời làm nhà, lấy đất làm chiếu,
Chàng theo đuổi sự phóng túng của mình.
Khi dừng lại chỉ là để nâng lên chén rượu hay ôm bầu rượu,
Khi đi chỉ là để mang theo một bình rượu hay lấy đi chai rượu.
Rượu là công việc duy nhứt của chàng,
Chàng chẳng biết gì hơn nữa.


2. Một ông chúa trẻ thuộc nhà cao quí, và một quan về hưu,
Nghe nói đến những thói quen của ta,
Đã bài bác cách sống của ta.
Họ vung tay áo, nắm tay lại,
Mắt dữ dằn đảo qua đảo lại và răng thì nghiến chặt lại,
Họ dạy ta những phép tắc xã giao,
Phải thế nầy và không được thế kia, nghe như tiếng bầy ong,
Nhưng vào lúc đó, ông thầy kia,
Nắm lấy một cái vò, cầm lên một cái chén,
Đưa chén lên miệng nốc hết rượu, rồi vuốt râu nằm thẳng cẳng,
Lấy men làm gối, lấy cặn rượu làm gối dài.

3. Chẳng suy nghĩ gì, chẳng lo âu gì,
Hạnh phúc của chàng thật là toàn vẹn!
Thoắt thấy chàng say mèm, thoắt thấy chàng tỉnh rượu.
Lắng tai nghe, chàng không nghe thấy sấm rền,
Chú mắt nhìn, chàng chẳng thấy hình núi Thái sơn,
Không thấy lạnh giá và nóng bức cắn xé da thịt mình,
Cũng không thấy thành công và ham muốn gây những đam mê.
Chàng cúi nhìn đám người đông như kiến cỏ,
Họ giống như bèo tấm trôi trên sông Giang sông Hàn,
Hai vị cao sang kia đứng cạnh,
Với chàng, chỉ giống con ong hay con sâu.

(Lê Diên dịch)

Đây là những tư tưởng tự nhiên rút ra ở hệ thống xuất thế của Lão Trang, đem vào đời sống nghệ thuật đến mức cực đoan. Lưu Linh mượn rượu để quên đời, quên cả hình hài để sống với một tâm trạng siêu thần nhập hóa giả tạo. Phải chăng hoàn cảnh lịch sử xã hội thời đó đã gây ra không khí quá bi quan như thế?
Lưu Linh thường hay quá chén, phóng túng, cởi bỏ quần áo, trần truồng trong nhà. Người đời thấy vậy thì chê cười.
Lưu Linh nói: "Ta lấy Trời Đất làm nóc nhà, buồng nhà làm quần áo, các ông sao lại chui vào quần áo của ta?"
Lưu Linh dẫu sống phóng túng, buông thả, nhưng vẫn ý thức cái gì là của Trời Đất, cái gì là của thiên hạ.

4. SƠN ĐÀO (205 - 283):
Sơn Đào, tự là Cự Nguyên, người ở huyện Hoài, đất Hà Nội, đời nhà Tấn (nay thuộc tỉnh Hồ Nam). Từ nhỏ, tánh tình ông rất chất phác, nhưng học thức hơn người, được nhiều học giả danh vọng trong vùng kính trọng, thế mà đến 40 tuổi, Sơn Đào vẫn là một viên quan nhỏ giữ chức Chủ Bạ trong quận.

Sơn Đào chơi thân với Nguyễn Tịch và Kê Khang.
Vợ Sơn Đào là Hàn Thị thấy ba người chơi thân với nhau thì hỏi dò chồng. Sơn Đào đáp:
- Đó là hai người riêng ta có thể chơi thân.
Hàn Thị muốn biết rõ hai người bạn đặc biệt nầy của chồng, nên sửa soạn một tiệc rượu để chồng đãi đằng hai bạn, còn Hàn Thị thì núp trong màn nhìn ra quan sát, buổi tiệc kéo dài suốt đêm, Hàn Thị cũng thức suốt đêm để theo dõi.
Sáng hôm sau, Sơn Đào vào phòng hỏi vợ:
- Nàng nghĩ sao về hai người bạn đó?
Hàn Thị đáp: - Về tài hoa thì chàng không bằng họ, nhưng về trí thức thì chàng đáng là bạn của họ.
Sơn Đào nói:
- Chính họ cũng cho cái biết của ta là cao hơn.
Về sau, Sơn Đào cũng được điều về kinh đô, giữ chức: Thượng Thư Lại Bộ Lang. Lúc ấy Ngụy đế là Tào Phương vừa nhỏ tuổi vừa bất tài, triều chính lọt vào tay Thái Úy Tư Mã Ý và Đại tướng Tào Sảng. Hai người nầy kết bè kết đảng định tiêu diệt phía đối phương mà độc chiếm quyền hành.
Sơn Đào nhìn thế cuộc biết chắc thế nào Tào Sảng cũng phải thua Tư Mã Ý, vì Tào Sảng lỗ mảng ngang ngược, kém mưu trí hơn Tư Mã Ý nhiều.
Sơn Đào không muốn dính vào vòng đấu tranh của hai người ấy, nên thường ẩn cư, ít giao thiệp với các triều thần.
Mỗi khi cao hứng, Sơn Đào thường mời các danh sĩ như: Kê Khang, Nguyễn Tịch, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Hướng Tú, Vương Nhung vào trong rừng trúc rong chơi, uống rượu và bàn lẽ huyền vi của Trời Đất, gác ngoài tai mọi việc ở đời.
Trong Trúc lâm Thất Hiền thì Kê Khang là người có tiếng tăm và tài hoa cao nhứt, dám khinh miệt cả bọn quyền quí, làm Sơn Đào rất bội phục.
Sau nầy, khi Sơn Đào làm ở Bộ Lại, có dâng thơ tiến cử Kê Khang. Kê Khang chán ghét bọn quan lại tham ô nên không hề có ý muốn ra làm quan, nay biết được Sơn Đào dâng thơ tiến cử mình, Kê Khang nổi giận liền viết một bức thơ "Tuyệt giao Sơn Đào", mỉa mai Sơn Đào còn ham danh lợi và tuyên bố tuyệt giao với Sơn Đào. Sơn Đào rất hiểu rõ tánh ý của Kê Khang nên không hề hờn giận.
Sau nầy, Kê Khang bị Chung Hội và Lữ Tấn vu oan, Tư Mã Chiêu tin Chung Hội nên giết chết Kê Khang. Con của Kê Khang là Kê Thiệu bơ vơ không nơi nương tựa, được Sơn Đào lo lắng chăm sóc.
Năm 265, con của Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm chiếm lấy chánh quyền, phế bỏ triều Ngụy của họ Tào, lên làm vua, lập ra nhà Tấn, Sơn Đào lại dâng thư tiến cử Kê Thiệu: "Cha có tội không liên quan gì đến con, Kê Thiệu gồm đủ đức tài, xứng đáng được trọng dụng." Tư Mã Viêm chấp nhận, phong Kê Thiệu chức Bí Thư Thừa.
Sơn Đào giỏi nhận xét nhân tài, trong hơn 20 năm ông làm việc ở Bộ Lại, ông tiến cử lên triều đình nhiều hiền tài. Trong triều có quyền thần Giả Sung, thường kéo bè kết đảng để củng cố thế lực, khen ngợi tên tâm phúc Lục Lượng trước mặt Tư Mã Viêm, rằng Lục Lượng có tánh tình trung hậu, chí công vô tư, nên xin cho Lục Lượng được cùng với Sơn Đào làm chức Tuyển Quan. Tư Mã Viêm đồng ý.
Sơn Đào thì phản đối việc nầy, vì biết Lục Lượng chỉ là tên có tài nịnh hót chớ không có thực tài, không xứng đáng với chức Tuyển Quan. Ít lâu sau, quả nhiên tên Lục Lượng nhận hối lộ, bị phát hiện nên bị cách chức. Do đó, Tư Mã Viêm càng trọng tư cách của Sơn Đào.

5. HƯỚNG TÚ (221 - 300):
Hướng Tú, tự là Tử Kỳ, người ở đất Hoài, nay là Hồ Nam, thuở nhỏ đã quen biết Sơn Đào. Hướng Tú rất thông tuệ, hiểu biết rất sâu xa, theo cái học của Lão Trang. Ông cùng với Quách Tượng đã chú giải sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử, vì lâu nay trải quan nhiều thế hệ của Đạo gia, nhưng chưa có ai luận bàn về tôn chỉ và hệ thống hóa sách ấy cả.

Hướng Tú bàn và giải thích thêm những ý nghĩa sâu kín, phát minh thêm ý lạ, làm nổi dậy phong trào Huyền học.
Người đương thời đọc sách ấy thì siêu nhiên tâm ngộ, chẳng ai không mãn nguyện.

6. VƯƠNG NHUNG (234 - 305):
Vương Nhung có một đứa con vừa mới chết, bạn của Vương Nhung là Sơn Giản đến viếng. Vương Nhung không cầm được nước mắt. Sơn Giản nói:

- Chỉ là đứa bé con, cớ sao lại khóc?
- Thánh nhân thì quên tình, thứ dân thì không biết tới, chỉ như bọn ta mới có nhiều tình.
Sơn Giản tán đồng, rồi cũng khóc theo.
Lời nói của Vương Nhung cắt nghĩa rất rõ tại sao nhiều Huyền học gia lại rất lưu tâm đến thuyết Chủ tình.
Trong nhiều trường hợp, không phải vì sự được mất của bản thân mà họ tỏ ra vui buồn, mà chính trong cái cảnh tượng chung của cuộc sống hay của Trời Đất.

7. NGUYỄN HÀM:
Nguyễn Hàm là cháu của Nguyễn Tịch, gọi Nguyễn Tịch bằng chú. Hai người họ Nguyễn nầy đều thích uống rượu. Mỗi khi gặp nhau, họ không cần lấy chén mà uống, chỉ ngồi quanh vò rượu mà uống trong vò. Có khi mấy con lợn khát nước chạy đến, thì họ cho lợn cùng uống với họ.

Đấy là tình cảm cốt yếu của hạng người phong lưu, muốn sống với tinh thần nghệ sĩ, với ý thức bình đẳng, không phân biệt giữa họ và vật trong Trời Đất.


Tóm lại, Trúc lâm Thất Hiền là bảy ông Hiền nơi rừng trúc. Họ là những nhà văn nhà thơ, vừa đi dạo, vừa bàn luận trong một khu rừng trúc nhỏ, dừng lại để uống rượu, rồi lại đi dạo tiếp tục, rồi lại bàn luận, làm thơ, cho đến lúc say mèm.
Họ bàn luận chỉ trích Khổng giáo, đề cao Lão Trang, mỗi người có một cách, làm dẫy lên một trào lưu tư tưởng lãng mạn gọi là Phong lưu, ngụ ý sống tự do theo tự nhiên, mà tư tưởng triết học thì chủ ở Lão Trang. Sống Phong lưu là sống hòa nhịp với cảm xúc bồng bột hồn nhiên, không chờ trí thức kịp xen vào. Cảm xúc ấy là của một tánh tình đã cảm thông với tạo vật thiên nhiên chớ không phải cái tánh tình nhỏ hẹp hữu hạn tầm thường.

(theo Cao Đại Từ Điển + 1 ý nhỏ của Nguyễn Tử Quang)
Rất tiếc không tìm được hình minh họa

Tuesday, January 13, 2009

Sám hối...

Đêm qua, con ngủ trong cơn mộng mị… Những cảm xúc hỗn độn đan xen cuốn vào trong giấc mơ, liên kết lại thành chuỗi những mẫu chuyện ngắn kỳ quái, chẳng đâu ra đâu. Giật mình tỉnh giấc ra thấy mình vẫn còn nằm ở nhà mà thở cái phào…
Chợt nghĩ mình cần sám hối.
Mấy hôm rồi để cho cảm xúc nó bay bay bổng bổng. Đúng là cái bản ngã nó lấn át. Cũng may là mình bị khống chế bởi 1 số nguyên nhân, chứ nếu mình mà perfect như người ta, chắc là mình “hư hỏng” lắm… Cái cuồng nhiệt nó cuồn cuộn trong lòng, trong máu rồi. Như một ngọn núi lửa chực chờ phun trào, may là có mặt đất kìm nén lại. Nếu không có mặt đất thì sao ? Mà có mặt đất thì sao ? Liệu có kìm giữ nổi ngọn núi lửa phun trào… Nghĩ lại, thấy mình cũng tệ… Cứ thế này hoài chắc có hôm nào lại “đi hoang” mất… Dừng lại đi em hỡi…
Gió dịu dàng nhưng bão tố theo sau,
Sóng mơn man sóng lại có cuộn trào,
Tay mềm em cũng chất đầy ma lực,
Chỉ chực chờ bóp nát trái tim ai…
*
Bàn chân hoang gãy rắc cành cây nhỏ,
Mỗi bước dài là xào xạc dưới chân thon.
Đâu có biết dưới làn mùn mỏng mảnh
Là kim nhọn lăm le gót sen hồng…
*
Dừng một bước để lòng mình sám hối,
Tay cần tay để níu lấy tâm hồn,
Xoa dịu nỗi xôn xao đầy cám dỗ.
Sám hối đi em, thôi đã quá đủ rồi !!!
(kata)

Bói phượng, cưỡi rồng



Đời Chu Tương Vương (651-617 trước D.L.), Tần Mục Công làm bá chủ các nước ở tây phương. Nhà vua có một người con gái. Lúc mới sinh, gặp có kẻ dâng viên ngọc phác, Tần Mục Công sai thợ giũa, thành một viên ngọc sắc biếc và đẹp lắm.

Đến khi cô gái đầy tuổi thôi nôi, trong cung bày đồ toái bàn (tức đồ cho trẻ chọn để đoán hậu vận), nàng nhặt ngay viên ngọc, rồi ngắm nghía mãi, mới đặt tên nàng là Lộng Ngọc.

Lớn lên, Lộng Ngọc nhan sắc đẹp tuyệt trần. Tính trời thông minh, nàng có tài thổi ống sinh hay lắm, không học ai mà thành âm điệu. Tần Mục Công sai thợ làm ống sinh bằng ngọc để cho nàng thổị Nàng thổi ống sinh ấy, tiếng trong như tiếng chim phượng.

Tần Mục Công cưng lắm, lập cái lầu để cho nàng ở, tên là Phượng Lâu. Trước lầu có xây một đài gọi là Phượng Đài. Năm Lộng Ngọc lên 15, Tần Mục Công muốn tìm một người giai tế, Lộng Ngọc thề: nếu có người nào có tài thổi ống sinh họa được với nàng thì mới chịu lấy làm chồng.

Tần Mục Công sai sứ đi tìm, nhưng không có ai cả.

Một hôm, Lộng Ngọc ngồi trên lầu, vén rèm ngắm cảnh. Bấy giờ trời quang mây tạnh, vừng trăng sáng tỏ như gương, nàng truyền cho thị nữ đốt một lò hương rồi đem ống sinh ra thổi. Bỗng nghe tiếng tiêu từ đâu họa lại, lúc gần lúc xa. Lộng Ngọc lấy làm lạ, dừng ống sinh lại không thổi nữa, lắng tai nghe giọng tiêu ấy chỉ còn dư âm văng vẳng. Lộng Ngọc ngẩn ngơ, lưỡng lự thao thức canh chầy, đoạn đặt ống sinh ở đầu giường rồi nằm ngủ.

Giữa lúc ấy, nàng bỗng thấy trên trời về phía tây nam, cửa mở rộng, hào quang ngũ sắc rực rỡ như ban ngày, có một chàng thiếu niên, mũ lông áo bạc, cưỡi con chim phượng từ trên trời sa xuống, đứng trước Phượng Đài. Chàng bảo nàng:

- Ta đây là chủ núi Họa Sơn, Ngọc Hoàng Thượng Đế cho ta kết duyên với nàng. Đến ngày Trung Thu này thì đôi ta gặp nhau. Ấy là duyên số đã định sẵn như vậy.

Nói xong, chàng đưa tay rút ống ngọc tiêu bên mình, rồi đứng tựa lan can mà thổi. Con chim phượng đứng bên cũng giương cánh ra vừa hót vừa múa. Tiếng phượng hót cùng với tiếng tiêu xướng họa hòa nhau như một theo điệu cung thương, nghe rất thâm trầm. Lộng Ngọc mê mẩn tâm thần hỏi: Khúc tiêu này là khúc tiêu gì? Chàng thiếu niên đáp: Đây là khúc "Họa sơn ngâm". Nàng lại hỏi: Khúc này có học được không? Chàng đáp: Khi cả hai kết duyên rồi thì có gì không học được. Đoạn chàng bước đến gần đưa tay cầm lấy tay nàng...

Lộng Ngọc giật mình tỉnh dậy. Sáng lại, nàng thuật lại điềm chiêm bao cho cha nghe. Tần Mục Công liền sai người cứ theo hình dáng người trong mộng đó dò tìm đến núi Họa Sơn. Có người nông phu chỉ rằng: Từ rằm tháng bảy vừa qua, có một chàng trẻ tuổi lạ mặt đến làm nhà ở đỉnh núi, hằng ngày thường xuống chợ mua rượu uống, chiều lại thổi chơi một khúc ngọc tiêu, ai nghe cũng rất lấy làm thích.

Người của Tần Mục Công mừng rỡ tìm đến, trông thấy chàng thiếu niên mũ lông áo bạc, cốt cách thần tiên, vái chào hỏi tên họ. Chàng xưng là Tiêu Sử. Người của nhà vua thuật lại sự tình và yêu cầu Tiêu Sử về triều. Sau mấy lần từ chối không được, Tiêu Sử cùng theo về triều ra mắt Tần Mục Công. Tần Mục Công thấy Tiêu Sử dung mạo thanh nhã, có vẻ bằng lòng, cho ngồi bên cạnh, hỏi:

- Ta nghe nhà ngươi có tài thổi ống tiêu tất có tài thổi ống sinh nữa.

Tiêu Sử đáp:

- Tôi chỉ biết thổi ống tiêu, chứ không biết thổi ống sinh.

Vua bảo:

- Ta định tìm một người có tài thổi ống sinh, nay nhà ngươi chỉ biết thổi ống tiêu, vậy không thể làm rể ta được.

Đoạn bảo người đưa Tiêu Sử ra.

Lộng Ngọc sai nội thị tâu với Tần Mục Công: Tiêu với sinh cũng là một loài, người ta có tài thổi ống tiêu thì sao không bảo dạo chơi một khúc để cho người ta được phô tài.

Tần Mục Công lấy làm phải, truyền Tiêu Sử thổi nghe.

Tiêu Sử mới thổi qua một khúc thì thấy có gió mát hây hẩy. Đến khúc thứ nhì thì mây che bốn mặt. Đến khúc thứ ba thì có đôi bạch hạc múa lượn trên không, đồng thời có đôi khổng tước bay đến rồi các giống chim đua nhau kêu hót..., một lúc mới tan. Tần Mục Công rất lấy làm bằng lòng. Lộng Ngọc đứng bên rèm trông thấy vui tương nói: "Người ấy thật đáng làm chồng ta!"

Tần Mục Công lại hỏi Tiêu Sử:

- Nhà ngươi có biết ống sinh và ống tiêu có từ đời nào không?

Tiêu Sử thưa:

- Ống sinh làm ra từ đời Nữ Oa; ống tiêu làm ra từ đời Phục Hi.

Tần Mục Công bảo kể rõ nguyên ủỵ Tiêu Sử nói:

- Nghề tôi vốn ở ống tiêu, vậy tôi xin kể nguồn gốc ống tiêu. Ngày xưa vua Phục Hi ghép ống trúc làm ống tiêu, chế theo hình chim phượng. Tiếng thổi cũng giống tiếng chim phượng. Thứ lớn ghép liền 23 ống, dài 1 thước 4 tấc gọi là Nhã Tiêu; thứ nhỏ ghép liền 16 ống, dài 2 thước 1 tấc gọi là Tụng Tiêu. Cả hai thứ gọi chung là Tiêu Quản. Còn một thứ không đáy gọi là Đổng Tiêu. Về sau vua Huỳnh Đế sai Linh Luân lấy trúc ở Côn Khê chế làm ống địch, ống này có 7 lỗ, cầm ngang mà thổi, tiếng cũng giống chim phượng, trông rất giản tiện. Người đời sau thấy ống Tiêu Quản phiền phức quá nên chỉ dùng ống địch. Thứ dài gọi là tiêu, thứ ngắn gọi là địch. Bởi vậy, ống tiêu ngày nay không giống ống tiêu ngày xưa.

Tần Mục Công lại hỏi:

- Sao nhà ngươi thổi ống tiêu mà lại có các giống chim bay đến?

Tiêu Sử thưa:

- Ống tiêu dẫu mỗi đời mỗi khác nhưng tiếng thổi bao giờ cũng giống tiếng chim phượng. Chim phượng là chúa các giống chim, vậy khi nghe tiếng chim phượng tất nhiên các giống chim đều kéo nhau đến cả. Ngày xưa vua Thuấn chế ra khúc nhạc tiêu thiều mà chim phượng còn bay đến, huống chi là các giống chim khác.

Tiêu Sử ứng đối lưu loát. Tần Mục Công rất lấy làm bằng lòng, sai quan Thái Sử chọn ngày để làm lễ thành hôn.

Tiêu Sử kết hôn cùng Lộng Ngọc, được phong làm Trung Đại Phu. Tuy làm quan nhưng Tiêu Sử không dự gì đến quyền chính, ngày ngày vui chơi ở Phượng Lâụ Lại không ăn cơm, chỉ thỉnh thoảng uống mấy chén rượu. Lộng Ngọc học được phép tiên của chồng cũng không ăn cơm. Tiêu Sử lại dạy vợ thổi tiêu.

Ở nhau được non nửa năm, nhân một đêm trăng sáng vằng vặc, vợ chồng đem tiêu ra thổi. Bỗng thấy một con phượng xuống đậu bên tả, và một con rồng xuống phủ phục bên hữu. Tiêu Sử bảo Lộng Ngọc:

- Ta vốn là tiên ở thượng giới, Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy sử sách trần gian nhiều chỗ tán loạn, vậy nên giáng sinh ta xuống họ Tiêu ở nhà Chu để san định lại. Người nhà Chu thấy ta có công về việc sử sách mới gọi ta là Tiêu Sử, đến nay đã hơn trăm năm rồi. Ngọc Hoàng cho ta làm chủ ở núi Họa Sơn, vì ta cùng nàng có tiền duyên nhau, nhờ khúc ngọc tiêu mà được cùng nhau tác hợp, nhưng cũng không nên ở mãi chốn trần gian này. Nay rồng và phượng đã đến đón, vậy chúng ta cùng nhau đi.

Lộng Ngọc định vào từ biệt cha. Tiêu Sử ngăn:

- Không nên! Đã là thần tiên thì chớ nên vì chút tình riêng mà quyến luyến.

Đoạn Tiêu Sử cưỡi rồng, Lộng Ngọc cưỡi phượng cùng bay lên trời.

Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, lúc Từ Hải cùng Kiều gặp gỡ, có câu:

Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền bói phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

"Đẹp duyên cưỡi rồng" là do điển tích trên.

"Bói phượng có nghĩa là kén được chồng tốt.

Sách Tả Truyện có chép: Trần Trọng Kính sang nước Tề, được vua nước này cho coi việc công chính. Quan Đại Phu nước Tề có ý muốn gả con gái cho Trọng Kính. Người vợ liền bói một quẻ, bảo rất nên. Vì quẻ bói nói:

"Phượng hoàng vu phi, hòa minh tương tương" nghĩa là phượng hoàng cùng bay, cùng hót vang vang.

Phượng là tên một giống chim. Theo sách cổ, đó là một trong 4 con thú linh thiêng: Long, Lân, Qui, Phượng, đem lại điềm lành, và chỉ khi nào có đời thái bình hay thánh nhân ra đời thì mới xuất hiện.

Phượng là chúa loài chim. Con trống là phượng; con mái là hoàng. Loan là một giống chim cùng loại với phượng hoàng. Vì là đồng loại nên người ta hay dùng để ví với vợ chồng. Ca dao có câu:

Ước gì anh được vô phòng,
Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan.

"Bói phượng", "Cưỡi rồng" đều cũng có nghĩa là kén được chồng xứng đáng.

(theo Nguyễn Tử Quang)

Tiếng đàn Tri âm



Bá Nha, người đời nhà Tấn, làm quan Thượng Đại Phu. Một hôm đi sứ nước Sở trở về, đến sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu trăng thanh gió mát, ông bảo quân dừng thuyền lại để uống rượu thưởng trăng. Thừa hứng, Bá Nha đem đàn ra gảy.

Nhưng bản đàn chưa dứt, dây đàn bỗng đứt. Bá Nha lấy làm kinh ngạc, nghĩ thầm:

- Chỗ này núi cao, non thẳm, sông dài, lẽ đâu có người biết nghe đàn làm cho dây đàn vội đứt. Hẳn đây là quân trộm cướp chăng?

Đoạn truyền quân lên bờ tìm bắt. Bỗng có tiếng một chàng trẻ tuổi vọng xuống:

- Xin đại nhân chớ nghi, tôi là đứa trẻ đốn củi mộc mạc, thấy khúc đàn hay nên dừng chân nghe thử.

Bá Nha mỉm cười, bảo:

- Có lẽ đâu một tên tiều phu mà lại biết nghe đàn!

Chàng tiều phu đáp:

- Xin lỗi đại nhân! Đại nhân nói như vậy chẳng là lầm lắm. Thánh nhân xưa có nói: Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa có quân tử đến. Nếu đại nhân khi chỗ núi non rừng bụi không có người biết nghe đàn thì ở nơi sông vắng đêm khuya này chẳng lẽ có khách biết đàn.

Nghe có chiều hữu lý, nhưng Bá Nha lại hỏi:

- Ngươi bảo nghe được đàn, vậy ta đàn bài gì đây?

- Dạ, đại nhân đàn bài Đức Khổng Tử than tiếc thày Nhan Hồi. Bài ấy như vầy:
Khả tích Nhan Hồi mạng tảo vương,

Giao nhân tư tưởng mấn như sương.

Chỉ nhơn lậu hạng đơn biều lạc,

Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương.


Bá Nha cho là hay, mời khách xuống thuyền đàm đạo. Nhưng nhìn thấy khách là một chàng trai trẻ tuổi, quần bô áo vải thì có vẻ xem thường. Bá Nha không nói gì, ôm đàn sửa dây gảy một bản hướng về ý cao siêu. Bản đàn vừa dứt, chàng tiều phu cười nói:

- Hay! Hay! Ý đại nhân vọi vọi ở non cao (Nga nga hề chỉ tại sơn).

Bá Nha lại gảy một bản đàn khác hướng về tình cảm mênh mang, khoáng đãng. Chàng tiều phu cười nói:

- Hay! Hay! Ý đại nhân cuồn cuộn nơi nước chảy (Dương dương hề chí tại lưu thủy).

Bá Nha lấy làm khâm phục, đứng dậy xốc áo xin lỗi và hỏi danh tánh. Chàng tiều phu xưng là họ Chung tên Tử Kỳ.

Cả hai trò chuyện, lấy làm tương đắc. Bá Nha lại mời Tử Kỳ cùng theo mình về triều để hưởng cuộc sống giàu sang. Tử Kỳ thở dài, bảo: Vì còn cha mẹ già, phận làm con phải ở bên quạt nồng ấp lạnh, thần tỉnh mộ quang phụng dưỡng.

Vì việc quan cần cấp, Bá Nha phải sớm về triều. Lại ước hẹn với Tử Kỳ là sang năm ngày này, tháng này, Bá Nha sẽ đem thuyền đến đón cả gia quyến của Tử Kỳ về triều, vậy chàng hãy chờ đợi tại đây.

Đoạn hai người từ giã nhau.

Rồi đến mùa thu năm sau, Bá Nha đem thuyền đến đón tại vàm sông Hán Dương cạnh núi Mã An. Bá Nha chờ đợi mãi nhưng không thấy Tử Kỳ đến. Buồn bã, Bá Nha lại ôm đàn gảy. Tiếng đàn hôm nay sao lại ai oán vô cùng. Lòng Bá Nha nghi hoặc một điềm bất thường xảy đến.

Sáng lại, Bá Nha lên bờ, lần bước thăm hỏi nhà Tử Kỳ. Đến nơi mới hay Tử Kỳ vừa chết trong một cơn bạo bịnh. Chung ông lại cho biết rằng: Trước khi chết, Tử Kỳ lại trối phải chôn chàng bên mé sông Hán Dương, cạnh núi Mã An để chàng giữ lời hẹn với Bá Nha năm xưa là đến đó đón người.

Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, bày đồ tế lễ, rồi lấy đàn gảy một bài ai điếu và khóc lóc thảm thiết. Đàn xong Bá Nha bèn đập đàn vào đá tan nát, thề trọn đời không đàn nữa vì đã hết bạn tri âm.

Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Đồ Chiểu có câu:
Than rằng lưu thủy cao san,

Ngày nào nghe đặng tiếng đàn tri âm.

Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn Kim Trọng yêu cầu Kiều đánh đàn cho nghe, có câu:
Rằng: "Nghe nổi tiếng cầm đài,

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ".


Cổ thi cũng có câu: "Bất tích ca giả khổ, Đãn thương tri âm hy" nghĩa là: "Không tiếc người hát khó nhọc, chỉ đau đớn người tri âm ít mà thôi".

"Lưu thủy, cao san, tri âm, Chung Kỳ" đều căn cứ điển tích trên.

(theo Nguyễn Tử Quang)