Tôi yêu mẹ tôi.
Không biết có phải cái bản năng làm mẹ khiến cho các bà mẹ đều trở nên nhạy cảm với con cái hay chính vì mang nặng đẻ đau khiến cho mẹ có một mồi dây liên kết vô hình. Mà mẹ tôi cực kỳ nhạy cảm.
Tôi nói điều này chính là vì tôi có đến 3 người mẹ. Cả 3 người mẹ này đều yêu thương tôi bằng tình yêu và sự hy sinh của người mẹ. Nhưng, chỉ có người mẹ mang nặng đẻ đau, người mẹ ấy mới thật sự đi sâu vào trong tận trái tim và đi sâu vào trong ngóc ngách tâm hồn. Hai người mẹ còn lại yêu tôi bằng tình yêu rất khác.
Những hôm nào tôi về nhà mà nằm vật ra hay ngủ vùi, thể nào mẹ tôi cũng hỏi: "Con bệnh hay làm sao?"...còn má, có hôm tôi đi tận 3g sáng về vì công việc, má cũng chẳng hay. Tôi bệnh, có khi má cũng chẳng biết, dẫu tôi đang sống cùng nhà với má...
Hôm nay, mẹ gọi: "Con có làm sao không? Mấy nay thấy con buồn buồn...có chuyện gì phải nói cho mẹ nghe...Có phải con bị mất tiền không ? Đừng lo lắng, về mẹ cho lại..." dẫu mẹ đang ở cách tôi 66 cây số và lần cuối cùng tôi về là cách đây 1 tháng...
Trời ơi....Nếu mẹ biết...
Mẹ tôi yêu tôi lắm.
Trong kí ức tôi, tuổi thơ ngọt ngào như một que kẹo với hình ảnh dịu dàng của mẹ. Anh tôi ra đi rất sớm, nên sự ra đời của tôi được mẹ yêu bằng tình yêu gấp đôi.
Còn nhớ, nhà tôi hồi đó nghèo, nghèo lắm...Căn nhà nhỏ xíu của ba mẹ và 3 đứa con chỉ đủ che nắng che mưa chứ cũng không có đồ đạc gì nhiều cả. Đến cái nhà tắm cũng chỉ là 4 cục gạch to bản làm cái nền, còn xung quanh thì che lại bằng lá dừa nước. Bữa cơm nghèo thì thơm mùi khói bếp. Mãi sau này, tôi vẫn không cảm thấy đâu ngon cơm bằng cơm mẹ nấu cả. Những bữa trời mưa dầm dề như cái tháng 7 này đây, mẹ lại kho cá trê vàng thật kẹo, nước sánh vàng óng ánh để ăn với cháo trắng. Ngoài trời thì mưa, còn vợ chồng con cái trong này thì xì xụp với bát cháo nóng mà nụ cười long lanh đáy mắt.
Nhà nghèo, hầu như tối nào đi ngủ cũng lạnh hết biết. Mái lá không đủ sức che chở khỏi cái lạnh về đêm. Mà trẻ con, khuya lại hay đi tè... Cứ tối đêm nào, mẹ cũng trở dậy tệ nhất là 3 lần vì có đến 3 đứa trẻ cần đi tiểu. Tôi nhớ, đêm tối hù, mẹ cầm cái đèn dầu leo lét, dậy lụi hụi mở cửa dắt con ra phía xa xa...Tiếng dế kêu ric ric...Trở vào, mẹ lại xoa chân con cho nóng ấm, rồi bảo: "Con nằm xoay lưng vô mẹ nè, cho ấm"... Tối, 4 mẹ con quây nhau, chia cái hơi ấm từ mẹ. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được cái ấm nào như cái ấm từ mẹ. Rồi lại thiếp vào trong giấc ngủ trẻ con.
Lớn 1 chút, tôi đi học. Học trường xã gần nhà có mẹ làm cô giáo, con làm học trò. Tôi nhớ trưa nắng tháng tư, mẹ dắt tôi đi uống rau má. Những bữa trưa không kịp làm cơm, mẹ lại mua trứng muối về cho tôi ăn với cơm. Khi đó, còn ngây ngô hỏi mẹ: Mẹ ơi, cái trứng này làm sao mà nó mặn quá vậy mẹ ? Ăn nó hôi hôi kỳ quá...Ấy vậy mà, giờ tôi lại mê cái trứng muối đó lắm.
Nhưng bữa ba say xỉn về nhà, nằm vật vựa, miệng thì tuôn ra những câu làu bàu trước khi ngủ vùi trong mê man, mẹ lại dịu dàng: "tụi con đi ngủ đi, lát dậy ổng hết xỉn...chứ giờ ổng xỉn, ổng dữ lắm"... Quả thật, ba hiền bao nhiêu thì khi ba xỉn ba lại khác bấy nhiêu. Chỉ có mẹ là loay xoay với ba, chứ khi ba xỉn, mấy đứa con lại đi ngủ hết rồi. Sau này, khi ba đã bỏ rượu, ba hay nói: "Hồi xưa, tao cưới mẹ mày là vì tao nhìn thấy cái sự cam chịu của mẹ mày. Chứ tao với mẹ mày có quen nhau đâu"
Ừ...Cam chịu vậy nên mẹ mới làm dâu được hơn ba mươi năm. Nhà nội đông đúc. Sinh đến người con thứ mười thì mẹ về làm dâu. Cô út và chị 2 cách nhau có 3 tuổi. Mẹ vừa chăm chị 2 vừa làm vú nuôi cho cô út. Tội một nỗi..con mình thì không dám chăm hơn, nên giờ chị 2 ốm nhom, gầy đét vì hồi nhỏ suy dinh dưỡng...Thương mẹ, thương chị 2.
Quãng thời gian làm dâu cực khổ không kể ra làm gì, dẫu có kể cũng không nói hết cực nhọc của mẹ ra được. Chỉ biết, nhiều khi thấy mẹ bậm môi, cắn răng mà khóc...
Đến bây giờ, mẹ vẫn còn làm dâu....
Sáng hôm nay mẹ lại gọi. Mẹ nói mẹ nhớ con quá, Mấy đứa con bây giờ lớn, đi hết trơn. Công chuyện cứ kéo dài mãi, không đứa nào về chơi được. Hồi xưa còn đứa này về, đứa kia về. Giờ đã lâu không thấy ai. Vậy chắc phải lên thăm quá... Nghe mà rớt nước mắt. Mẹ à, cuối tháng này con về với mẹ nhé.
No comments:
Post a Comment