Tết
Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống
Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới;
giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán
Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân
văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn
mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niêm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất
của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người
Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong
quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng ...
Ông
Táo hay thần bếp là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục
hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày
mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên, trong ngày này, mọi
gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo ".
Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán.
Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ
cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang
trọng để chuẩn bị đón tết.
Cùng
với tranh (tranh dân gian, câu đối), hoa quả là yếu tố tinh thần cao
quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc
có hoa Ðào, miền Nam có hoa Mai, hoa Ðào, hoa Mai tượng trưng cho phước
lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài cành Ðào, cành Mai,
mấy ngày tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng,
đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...
Tết
trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bánh trái đều
không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải
chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam,
mân ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một
loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm
khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc. Ngày Tết, dân tộc ta có
nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai
canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ... Từ trẻ tới già ai ai cũng
biết, sau đây là một vài phong tục đáng được duy trì phát triển.
2. TẾT KHAI HẠ: mồng 7 tháng Giêng
Theo
cách tính của người xưa, ngày mùng Một tháng Giêng ứng vào gà, mùng Hai
- chó, mùng Ba - lợn, mùng Bốn - dê, mùng Năm - trâu, mùng Sáu ngựa,
mùng Bảy - người, mùng Tám - lúa. Trong 8 ngày đầu năm, cứ ngày nào sáng
sủa thì coi như giống thuộc về ngày ấy cả năm được tốt. Vì vậy, đến
mùng Bảy, thấy trời tạnh ráo thì người ta tin cả năm mọi người sẽ gặp
may mắn, hạnh phúc.
Mùng Bảy kết thúc Tết Nguyên Đán thì cũng là lúc bắt đầu Tết Khai hạ - Tết mở đầu ngày vui để chào mùa Xuân mới.
Theo
tục lệ Việt Nam, ngày mồng bảy tháng giêng là ngày hạ cây nêu. Cây nêu
trồng trong năm, khi sửa soạn đón tết cùng với cung tên bằng vôi trắng
vẽ trước cửa nhà để "trừ ma quỷ", nay được hạ xuống.
Lễ
hạ nêu còn được gọi là lễ Khai hạ. Nhân dịp này, ngoài lễ giữa trời
cúng trời đất, người ta còn sửa lễ cúng Gia tiên, cúng Thổ công và thần
tài. Thường sau ngày lễ này, mọi công việc thường xuyên mới được bắt đầu
trở lại.
3. TẾT NGUYÊN TIÊU: Rằm tháng Giêng
Tết Thượng nguyên (tết
nguyên tiêu) vào đúng Rằm tháng Giêng - ngày trăng tròn đầu tiên của
năm. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa chiền, vì Rằm tháng Giêng còn là
ngày vía của Phật tổ. Thành ngữ "Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng
Giêng" xuất phát từ đó. Sau khi đi chùa mọi người về nhà họp mặt cúng
gia tiên và ăn cỗ.
4. TẾT HÀN THỰC: mồng 3 tháng Ba
Sau
19 năm loạn lạc, Công tử Trung Nhĩ giành lại được ngôi Vua. Vua Trung
Nhĩ ban thưởng hậu hĩnh cho tất cả những ai theo mình lúc hoạn nạn,
nhưng lại sơ ý quên mất Giới Tử Thôi. Tử Thôi lặng lẽ đưa mẹ về sống ở
núi Điền.
Lúc
nhà Vua nhớ ra, cho người tới mời về kinh kỳ để Vua ban thưởng nhưng
Giới Tử Thôi nhất định không về và đưa mẹ vào sống ẩn náu trong rừng.
Nhà
Vua sai đốt rừng nhằm buộc Tử Thôi phải ra, nhưng Tử Thôi không chịu ra
và cả hai mẹ con đều bị chết cháy. Nhà Vua vô cùng cảm kích tấm lòng
nghĩa khí của Giới Tử Thôi, cho lập Đền thờ trên núi tưởng nhớ ngày mất
của Tử Thôi mùng 3 tháng Ba âm lịch.
Người
đời thương tiếc Tử Thôi nên hàng năm cứ độ mùng 3 tháng Ba lại kiêng
nổi lửa nấu ăn, chỉ dùng đồ nguội nấu sẵn từ hôm trước.
5. TẾT ĐOAN NGỌ: mồng 5 tháng Năm âm lịch.
Tết Đoan ngọ hay Tết Đoan dương diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm
lịch. Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và
có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá. Trong dân gian còn gọi là Tết giết
sâu bọ. Vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát
sinh. Mọi người dậy sớm, chỉ ăn hoa quả hoặc chè.
6. TẾT TRUNG NGUYÊN: Rằm tháng Bảy
Rằm tháng Bảy
theo tín ngưỡng là ngày xá tội vong nhân, nghĩa là bao nhiêu tội nhân ở
dưới âm phủ ngày hôm đó đều được tha tội. Bởi vậy trên dương thế mọi
gia đình đều làm cỗ bàn, đốt vàng mã cúng gia tiên và đồng thời cúng
những linh hồn bơ vơ không được ai chăm sóc. Người ta cũng thả chim lên
trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức.
7. TẾT TRUNG THU: Rằm tháng Tám
Trung
thu là giữa mùa thu, Tết Trung Thu như tên gọi đến với chúng ta vào
đúng giữa mùa thu tức là vào rằm tháng Tám âm lịch. Tết Trung Thu là tết
của trẻ em.
Ngay
từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn mầu sắc, muôn
hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gồm là bánh trung
thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng
kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.
Trẻ
em đón tết có đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống... sặc sỡ
thắp sáng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau đi nhởn
nhơ ngoài đường, ngoài ngõ. Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với
tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt. Trong dịp này, để thưởng
trăng có rất nhiều cuộc vui được bày ra. Người lớn có cuộc vui của người
lớn, trẻ em có cuộc vui của trẻ em.
Thi cỗ và thi đèn
Trong
ngày Tết Trung Thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo
đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những
cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước
đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ
em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp
nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, các
em cùng nhau phá cỗ, tức là ăn mâm cỗ lúc đã khuya.
Hát Trống quân
Tết
Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát
đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng
trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm
nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố
có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong
những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố
hiểm hóc.
Múa Sư tử (múa lân)
Vào
dịp Tết Trung Thu có tục múa Sư tử còn gọi là múa Lân. Người ta thường
múa Lân vào hai đêm 14 và 15. Ðám múa Lân thường gồm có một người đội
chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp
trống. múa lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất
theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ
ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân... Ðám múa Lân đi trước,
người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này, tại các tư gia
thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy.
Trẻ
em thì thường rủ nhau múa Lân sớm hơn, ngay từ mùng 7 mùng 8 và để mua
vui chứ không có mục đích lĩnh giải. Tuy nhiên có người yêu mến vẫn gọi
các em thưởng cho tiền.
8. TẾT TRÙNG CỬU: mồng 9 tháng 9
Thời
Hán, có người tên gọi là Hoàn Cảnh, đi học phép tiên. Một hôm thầy bảo
Hoàn Cảnh khuyên mỗi người trong nhà nên may một túi lụa đựng hoa cúc,
rồi lên chỗ cao mà trú ngụ. Quả nhiên, ngày 9 tháng Chín có lụt to, ngập
hết làng mạc. Nhờ làm theo lời thầy, Hoàn Cảnh và gia đình thoát nạn.
9. TẾT TRÙNG THẬP: mồng 10 tháng 10
Diễn ra vào ngày 10 tháng 10. Ở nông thôn còn gọi nôm na là tết Cơm mới, tết Thường tân. Các nhà lấy gạo mới làm bánh dày, thổi cơm và luộc gà dâng cúng gia tiên và thần, Phật mừng được mùa. Một số nơi ăn tết này vào rằm tháng 10, nên còn gọi là Tết Hạ nguyên. Theo sách "Cổ Dược Lễ", vào ngày 10 tháng 10, các cây thuốc mới tụ được khí âm dương, kết được sắc tứ thời, dùng thật tốt. Vì vậy, các thầy thuốc trọng tết này.
10. TẾT HẠ NGUYÊN : Rằm tháng 10
Theo
phong tục dân gian Tết Hạ Nguyên được tiến hành vào ngày mồng Một hoặc
mồng Mười, cũng có thể là ngày Rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm. Theo quan
niệm của ông bà ta ngày xưa, những ngày này Thiên Đình cử thần Tam Thanh
xuống trần gian để xem xét việc tốt xấu về tâu với Ngọc Hoàng. Do vậy,
mọi nhà phải tiến hành làm lễ để thần Tam Thanh ban phúc lành, tránh tai
họa và cũng là dịp "'tiến tân" cơm gạo mới cúng tổ tiên.
Nhân
Tết Hạ Nguyên mọi người đều mua quà và gạo nếp ới cùng những đặc sản
lúc giao mùa Thu Đông biếu ông, bà, cha mẹ và những bậc được tôn kính để
tỏ lòng hiếu thuận, biết ơn bề trên.
11. TẾT TÁO QUÂN: 23 tháng chạp
Cứ phiên chợ 23 tháng Chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bẵng giấy và 3 con cá chép làm "ngựa" (chuyện cá chép hoá rồng) đế Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông.
12. TẾT THANH MINH
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa
Tết Thanh minh đã trở thành lễ hội quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào
tiềm thức của biết bao người Việt Nam trong và ngoài nước.
Thanh minh tuy
không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận
con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ
phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi
người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành
tạo dựng của tổ tiên.
Tết Thanh minh mang ý nghĩa cội nguồn,
nhắc chúng ta không quên hướng về quê cha đất tổ. Người dân nhiều nơi
kết hợp Tết Thanh minh với Tết Hàn thực, tức ngày bánh trôi bánh chay,
được tổ chức vào ngày 3 tháng Ba âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế Tết
Thanh minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời - lịch dương, chứ
không theo lịch mặt trăng - lịch âm, thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5
của tháng Tư dương lịch.
Phong tục làm cỏ các phần mộ (lễ tảo mộ),
sửa sang, thắp hương, đặt hoa quả thành kính tưởng nhớ ông bà tổ tiên
là những hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ quan trọng này.
Nguồn gốc tết Thanh minh
Tết Thanh minh được bắt nguồn từ Trung
Quốc. Chuyện kể rằng, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công, nước Tấn, gặp
loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ
có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm,
trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một
miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem
lòng cảm kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười
chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về
sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn,
phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất công
lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình
làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao
gì đáng nói. Vì vậy, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn
Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền
Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới
Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả
hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh
trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu
sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3/3 đến mồng 5/3 âm lịch hàng năm).
Từ đó ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm được coi là ngày tết Hàn thực,
nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Từ thời Lý nhân dân ta đã tiếp nhận tết
Hàn thực nhưng ý nghĩa của ngày tết này đã biến đổi và mang đậm màu sắc
truyền thống, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của
người dân nước Việt. Vào ngày tết Hàn thực, người Việt không kiêng lửa,
mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, chỉ có điều người Việt dùng
bánh trôi – bánh chay cho tết Hàn thực với ý nghĩa tượng trưng đó là
những thức ăn nguội – hàn thực. Vì vậy người Việt còn gọi tết Hàn thực
bằng một tên gọi khác là tết bánh trôi – bánh chay.
Tục Tảo mộ
Đối với người Việt, tết Thanh minh còn là
dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Dù ai đi đâu, ở đâu đến
ngày mùng 3/3 âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ,
để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Những ngôi mộ được
người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức
của người đang sống đối với người đã khuất.
Theo thông lệ từ trước đến nay, cứ sau
tháng Giêng là người ta đã lo việc đắp mộ cho những người quá cố. Trước
Thanh minh một ngày, để đi cúng mộ người ta đã chuẩn bị một bộ tam
sinh, giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy... và
các loại bánh trái, thức ăn, thức uống khác tùy sở thích của mỗi nhà.
Bộ tam sinh dùng để tế trong các đại lễ ngày xưa là ba con vật: bò,
heo, dê. Ngày nay tùy theo tập quán của mỗi địa phương và hoàn cảnh của
mỗi gia đình để làm lễ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang
các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người
ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại
và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài
động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của
họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ
thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người
đã khuất. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những
ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức
không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những
ngôi mộ này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ
chung những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà
đồng sớm tối đèn hương thờ phụng.
Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở
nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần
mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết
dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng
tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng
thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do
khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
Ngoài tục lệ
trên, người Việt Nam còn có tục lệ làm bánh trôi, bánh chay thắp hương,
sau đó cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức hương vị đậm đà của
món bánh này.
Tết Thanh minh
nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Phảng phất trong bóng dáng
mỗi con người là dấu ấn quê hương không dễ phai mờ theo năm tháng. Quê
hương, nguồn cội chính là tài sản tinh thần vô giá đối với mỗi cá nhân
chúng ta.