Thursday, November 24, 2011

Câu chuyện nữ tài xế xe bus

Câu chuyện được cư dân trên Facebook và các trang mạng xã hội chia sẻ cực nhiều trong một hai ngày gần đây. Nội dung có một vài dị bản, nhưng sự khác nhau là không nhiều, đại ý như sau:

"Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Giữa đường, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô lái xe kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng.

Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay; nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường.

Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe và cô sẵn sàng cầm lái tiếp tục lên đường… - “Này ông kia, ông xuống xe đi!” cô lái xe la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình. Người đàn ông sững sờ, nói: - “Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?” -“Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ?” Cô lái xe vặn lại, và vài hành khách bình thản cười. Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không nên bị đối xử như thế chứ. Ông từ chối xuống xe, và nói: “Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe.” Cô lái xe nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”

Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói: - “Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa!”. Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe.

Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách ranh mãnh và bình luận: -“Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ!” Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe. Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ.

Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô. Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe: “Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?”. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài vực như mũi tên bật khỏi cây cung. Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”. Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.

Người đàn ông đã bị đuổi xuống xe đọc tờ báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc!".
Hết.

Ảnh minh họa từ internet
Chuyện kết ở đây nhưng sau đó là hàng trăm, hàng ngàn comment phủ dài trên các mạng xã hội. Trong một ngày chỉ riêng một nhóm Facebook có tới hơn 1700 lượt "like" và hơn 700 lượt "share". Vì sao? Vì phần kết đáng sợ của câu chuyện hay vì thông điệp ẩn chứa đằng sau đó?

Hàng nghìn lượt share và comment đã xuất hiện và nối dài trên tường của các facebook trong vài ngày trở lại đây.

Và hàng nghìn câu hỏi bật ra: Bao nhiêu lần mình từng thờ ơ với những giấy phút hoạn nạn, khó khăn của người khác? Mà bạn hoàn toàn có thể giúp đỡ? Đôi khi, chúng ta quá vô cảm với cuộc sống quanh mình!

Sự vô cảm sẽ không có đất sống trong thế giới này.

Trong dòng chảy băng băng của cuộc sống, khi mà cái gì cũng "nhanh hoặc cực nhanh" (thức ăn fast food, mạng internet cũng broadband, tốc độ vi xử lí tăng gấp đôi, gấp ba, những cuộc chạy đua lên đỉnh vinh quang... thì sự vô cảm, nhởn nhơ đã diễn ra.

Sự vô cảm sẽ không có đất sống trong xã hội này.

Mạng là ảo, nhưng trách nhiệm và yêu thương là thật. Câu chuyện không xảy ra ở đất nước chúng ta, nhưng khi nó được dịch sang tiếng Việt và lan truyền trên các trang mạng xã hội, nó đã gây nên một làn sóng dư luận của những người trẻ. Rất nhiều commnet của những người Việt trẻ để lại sau khi đọc xong câu chuyện:

Những comment chia sẻ


"Cuộc sống vội vã khiến nhiều người sống vô tâm, vô cảm, họ đâu biết rằng đâu đó quanh ta còn rất nhiều người đưa tay ra cần sự giúp đỡ, mong là sau khi đọc xong câu chuyện trên trong mỗi tâm hồn chúng ta sẽ mọc được giống cây mang tên đồng cảm" và "cuộc sống ngày càng khiến con người ta trở nên vô cảm" là những lời chia sẻ đầy suy nghĩ và trách nhiệm của những người trẻ.

Mong rằng, hai từ đồng cảm không còn là khái niệm "xa xỉ" trong xã hội này.

T. L (Tổng hợp từ Hoa học trò và mạng xã hội)

Tuesday, November 22, 2011

Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt.. (Nguyễn Huy Thiệp)




Không hề ai biết hắn là một thi sĩ.

Hắn đến bến đò lúc 3 giờ chiều, giữa lúc nắng gay gắt. Hắn ở trên chiếc ô tô chạy than bước xuống, chiếc ôtô chở khác từ thị xã, mười ngày một bận. Chiếc ôtô sơn đen cà khổ, lèn chặt được mười sáu người cùng với đồ đạc. ống khói xả than gò bằng tôn ở dưới đuôi xe dựng đứng lên trời.

Không hề ai biết hắn là một thi sĩ

Hắn đội chiếc mũ cát trắng rộng vành, chiếc mũ đã cũ, ngả màu cháo lòng. Hắn không có đồ đạc gì cả ngoài một chiếc hộp sắt tây đựng bánh bích quy đã cũ, sơn đỏ, trên có vẽ hình một cô gái mặc váy đang múa ba lê. Hắn cắp chiếc hộp ở nách như ông thày bói vẫn cắp tráp sơn.

Không hề ai biết hắn là một thi sĩ.

Hắn đứng tần ngần một lát ở giữa ngã ba như để nhận đường rồi đi la cà dọc dãy phố chợ. Hắn hỏi một ông đứng trước cửa tiệm thuốc bắc:

-Thưa ông, đây có phải là bến đò Vân không?

Ông này trả lời:

-Vâng, bến đò Vân

Hắn cảm ơn ông ta rồi quay đi. Hắn gật gật đầu, cười tủm tỉm. Hắn rẽ vào một quán ăn ven đường. Giờ này quán ăn vắng khách, chẳng có ma nào, Bà chủ quán đang ngồi ngủ gà ngủ gật ở trên một chiếc ngế gỗ đặt nơi góc nhà.

Hắn hỏi lại câu hỏi cũ:

-Thưa bà, đây có phải bến đò Vân không ?

-Vâng, bến đò Vân.

-Bà cho tôi một cút rượu, lạc rang, thuốc lào, một tờ giấy trắng, một chiếc bút chì.

Hắn ngồi ở chiếc bàn cạnh cửa sổ. Hắn để chiếc hộp sắt tây đựng bánh bích quy trước mặt.

-Thưa ông, rượu của ông đây! Lạc rang, thuốc lào.. giấy với bút chì thì cháu không có..

Bà chủ quán rụt rè mang các thứ bày lên mặt bàn.

-Thế nhà ta không có ai đi học cả à?

-Thưa ông, chẳng cứ nhà cháu.. ở đây toàn người thất học. Người ta chỉ biết mỗi có tiền thôi.

Không hề ai biết hắn là một thi sĩ.

Hắn nói:

-Bảy năm trước, tôi đã đến bến đò này. Hồi ấy quang cảnh vùng này còn thưa thớt lắm.

-Vâng, thưa ông, thời ấy thiên hạ thái bình. Bây giờ thiên hạ nhốn nháo lắm.

-Tôi nhớ chỗ này ngày xưa là một vườn cải.

-Vâng, vườn cải nhà Tư Sửu. Nhà Tư Sửu bán đất cho nhà cháu, nhà cháu mở quán bán hàng được ba năm nay.

Bà chủ quán quay đi. Hắn thở dài. Hắn đã nếm trải bao nhiêu thay đổi trên đời.

Hắn rót rượu. Hắn thở dài. Hắn đã nếm trải bao nhiêu thay đổi trên đời.

Hắn rót rượu. Hắn lấy ngón tay chấm vào ly rượu rồi hắn viết lên mặt bàn mấy chữ nắn nót. Ngón tay hắn run run.

Hắn viết:

-”Chén ứa men lành, lạnh ngón tay“ (1)

Không hề ai biết hắn là một thi sĩ.

Vừa lúc ấy có mấy chiếc xe tay dừng trước cửa quán. Trên xe bước xuống là ba mẹ con nhà kia. Bà mẹ trạc 50 tuổi, rõ ràng là bậc mệnh phụ phu nhân. Hai đứa con đi theo mẹ là cô con gái 18 tuổi mặc áo dài trắng và cậu con trai 14 tuổi mặc quần soóc, áo cộc tay. Người lão bộc lặc lè xách vào hai chiếc va-ly.

Phu nhân nói:

-Qua đò là về đến nhà. Mấy mẹ con ta vào đây nghỉ đã.

Bà chủ quán chạy ra vồn vã:

-Con lạy chào bà Tham.. Con chào cô, con chào cậu..

Phu nhân tươi cười:

-Chúng tôi chào thím.. Cho chúng tôi ngồi nhờ một lát đợi lát nữa có người ra đón.. Thế vợ chồng thím dào này có khoẻ hay không? Làm ăn thế nào?

-Thưa bà.. vợ chồng con vẫn khoẻ, còn làm ăn thì kém lắm! Bà với cô cậu có dùng gì không để chúng con hầu?

-Không.. không dùng gì.. Thím mang cho lão bộc đây một cốc chè xanh là được rồi.

Ba mẹ con ngồi trên chiếc ghế dài kê ở sát tường. Người lão bộc ngồi ở bậc cửa. Họ ríu sít nói chuyện đi đường, chuyện vè những chiếc xe tay và người kéo xe.

Cậu con trai nói một câu tiếng Pháp:

-Que diable est - ce que tout cela? (Cái gì kỳ cục thế này?)

Đấy là cậu muốn ám chỉ chiếc hộp bánh bích quy của người khách lạ ngồi bên cửa sổ

Không hề ai biết hắn là một thi sĩ.

Hắn mở chiếc hộp bánh bích quy và lấy trong đó ra những cánh bướm đã ép khô lần lượt xếp lên bàn thành chữ ”L“.

-Ai đấy?

Phu nhân khẽ hỏi bà chủ quán.

-Dạ con không biết.

Cậu con trai không cưỡng nổi tò mò, thốt lên:

-Bướm đẹp quá.. Thưa ông, ông là người sưu tập bướm phải không?

-Không, tôi làm thơ!

Hắn trả lời. Hắn ngẩng mặt lên. Phu nhân sợ sệt vì hẳn chẳng nhìn ai cả, chẳng có ai đáng nhìn, hẳn chỉ nhìn chằm chằm có mỗi cô con gái bà.

Cô gái tán thưởng:

-Làm thơ ư?

Phu nhân lo ngại, đưa tay kéo hai đứa con sát lại gần mình.

-Thưa ông, nghề nghiêp của ông thật nguy hiểm - Người lão bộc rụt rè nói.

Hắn mỉm cười. Hắn cười vì nhận ra ở mép cô gái có một nốt ruồi chứ không phải vì câu nói của người lão bộc.

-Sao lại nói thế? - Phu nhân nhẹ nhàng quở trách.

-Thưa bà, con nghe quan Chánh cẩm nói với ông nhà là hễ mà loạn thì phải bắt ngay những người người làm thơ trước đã.

Phu nhân im lặng. Cảm thấy không ổn, bà hỏi dè dặt:

-Thưa ông, nghề nghiệp của ông có dễ dàng không?

Hắn không trả lời. Hắn lại chuyển những cánh bướm từ chữ ”L“ sang chữ ”N“.

Phu nhân hỏi tiếp:

-Thưa ông, tôi muốn hỏi ông kiếm sống có dễ dãi không?

Hắn nói:

-Không, tôi làm thơ!

Cậu con trai cảm thấy thú vị về người khách lạ. Cậu hỏi:

-Thưa ông, làm thơ có khó hay không?

-Khó với với người không có tài! - Hắn nói mà không ngẩng đầu lên. Hắn lại chuyển những cánh bướm từ chữ ”N“ sang hình trái tim.

Cô gái đáo để:

-Thưa ông, người ta nói ”Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài“ là thế nào ạ?

Hắn nhìn cô gái và cô đỏ bừng mặt xấu hổ. Cô chợt nhận ra câu hỏi của cô thạt sự quá thể vô nghĩa. Nó là thói quen a dua với thói đời chứ đâu phải câu hỏi mà cô muốn nói, không phải câu hỏi từ đáy lòng cô. Cô xúc động vì nỗi u hoài tê tái trong đáy mắt hắn. ánh mắt của hắn như muốn nói rằng:

-Này cô gái, cô trẻ trung trong sáng thế kia mà sao cô lại đi hỏi một câu rắc rối, rỗng tuyếch của người lớn như thế làm gì? Đấy là câu hỏi của một cành cây khô héo chứ đâu phải của một bông hoa?

-Xin lỗi ông - Cô gái bối rối nói- Tôi không muốn hỏi thế! Tôi muốn xin ông một câu thơ được không?

Hẳn báo:

-Được!

Hắn nhỏm người lên. Phong độ cử chỉ của hắn bỗng nhiên hào phóng như một ông hoàng cho tiền bố thí. Tuy vậy, hắn không có giấy bút nên hắn lúng túng.

Cậu con trai tinh ý vội mang lại mấy tờ giấy và chiếc bút máy.

Hắn gật đầu. Hắn nói:

-Để tặng tiểu thư.. Tiểu thư tên là Nhi phải không?

Cô gái giật mình:

-Chết! Sao ông lại biết tên tôi..?

Hắn không trả lời. Hẳn cười tủm tỉm. Hắn viết:

-”Những một mình em uống rượu hồng..“

Cậu con trai tán thưởng:

-Tuyệt vời! Thơ hay quá! Tôi cũng muốn xin ông một câu thơ được không?

Hắn mỉm cười vui vẻ.

Hắn viết lên một tờ giấy khác

-”Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây“

Cậu con trai sung sướng cầm hai tờ giấy giơ lên như giơ hai bông hoa, như hai báu vật. Vẻ hân hoan của cậu làm bà mẹ vốn bản tính dè dặt cũng phải mỉm cười

Cô gái trở nên bạo dạn:

-Thưa ông, sao ông lại nói ”những một mình em“? Còn ”rượu hồng“ có nghĩa là cuộc đời phải không?

Hắn mím môi lại. Người con gái này chưa biết thế nào là nỗi cô đơn. Năm nay nàng 18 tuổi. Phải 18 năm sau nữa thì nàng mới biết ”những một mình em“ là thế nào.

Cậu con trai thốt ra một câu tiếng Pháp:

Il nsest de bonheur que dans les voies communes (Chỉ trên những con đường tầm thường mới tìm được hạnh phúc). Thưa ông, có phải câu thơ của ông nhắc tôi như thế phải không?

Hắn không nói năng gì.

-Thưa ông - bà mẹ hỏi - tôi hỏi khí không phải, ông chắc không phải là người ở đây.. Thế ông ở nơi xa xôi đến nơi này làm gì?

Hắn nói:

-Tôi đi đưa dâu.

-Thưa ông, vậy ông có người quen ở vùng này à?

-Không.

-Thưa ông, vậy ông đi đưa dâu ai?

-Một người con gái. Tôi đã hẹn với cô ta từ bảy năm trước.. ngày này, giờ này.. lát nữa đám cưới cô ta sẽ đi qua đây..

Cậu con trai ngạc nhiên kêu lên:

-ồ.. ồ.. Thật lạ lùng!

Cô con gái thì thào vào tai cậu em trai:

-Entre nous.. (nói nhỏ với nhau). Lãng mạn quá chừng..

Bấy giờ có mấy người lái đò từ dưới bến sông đi lên có vẻ như muốn tìm ai. Một người đứng ở cửa quán hỏi vọng vào:

-Thưa các bác, thưa các già.. ở đây có vị nào tên là Hồ Điệp, hay Trang Sinh, hay Điệp Lang không?

Hắn nói:

-Có đấy!

Bác lái đò mừng rỡ:

-Thưa ông, có phải ông nhắn người thuê chín chiếc đò nang để chở đám cưới hay không?

Hắn bảo:

-Phải.

Bác lái đò nói:

-Thưa ông, chúng tôi đã tề tựu cả ở dưới bến rồi.

Hắn bảo:

-Được! Cứ chờ!

Mấy người lái đò kéo nhau xuống bến. Phu nhân và hai người con sửng sốt. Vẻ phấn khích làm cho má cô gái và cậu con trai đỏ ửng như có than hồng. Phu nhân hỏi:

-Thưa ông, tôi lại hỏi khí không phải nữa, thế cái người con gái mà ông hẹn bảy năm trước hình dạng thế nào. Chẳng là tôi là người ở vùng này, nói đến ai là tôi biết liền..

Hắn đăm chiêu, cau có:

-Trắng trẻo, môi đỏ, khô chân gân mặt, trông dáng vẻ như người đĩ thoã. Có cái nốt ruồi ở chỗ này, chỗ này..

Hắn chỉ đâu đó trên người cô con gái làm cô đỏ bừng cả mặt.

Phu nhân băn khoăn.

-Hay nhà Dung? Hay nhà Oanh?

Bà chủ quán nói:

-Thôi chết.. Đứng cô Xoan rồi.. Thưa ông, có phải ngày xưa ông ấy chít khăn mỏ quạ, mặc quần nái đen hay không?

Hắn bảo:

-Phải.

-Có phải ông bảo người ta chân quê hay không?

Hắn bảo:

-Phải.

Bà chủ quán oà khóc lên:

-Ông ơi.. Nó chết ba, bốn năm rồi, còn đâu mà đón với đưa dâu.. Hồi ở tỉnh về là nó chết liền.. Nó tự vẫn, nó đắm đò.. Câu thơ ông viết cho nó, nó xé ở vạt áo ra để lại đây này..

Bà chủ quán lôi trên bàn thờ xuống ống quản, chiếc ống sơn đã cũ vẫn dùng để cất gia phả hay văn tự mua bán. Bà ta lôi ra một miếng vải lụa nhỏ bằng bàn tay.

-Thưa ông, có phải chữ của ông đây không?

Cô gái và cậu con trai xúm lại.

Hắn thở dài nói:

-Đúng!

Cậu con trai đọc:

“Tuổi son má đỏ môi hồng

Bước chân về đến nhà chồng là thôi“

Tất cả mọi người lặng đi. Tiếng kể của bà chủ quán xen lẫn tiếng nức nở.

- Năm nó chết, nó 25 tuổi.. Nó tuổi Quý Sửu.. Tuổi con Trâu. Ba ngày sau người ta mới mò được xác của nó ở dưới chợ Xuôi..

Hắn bước ra ngoài. Mọi người tránh đường cho hắn ra. Bóng chiều xuống dần. Sẽ không có đám cưới nào qua bến đò Vân hôm ấy.

Mấy người lái đò khi nãy trở lại quán ăn:

-Cái vị tên là Hồ Điệp, hay Trang Sinh, hay Điệp Lang còn ở đấy không? Sao nói có đám cưới mà chờ đến tối cũng không có nhỉ? Vậy ai trả tiền đò cho chúng tôi đây?

-Tôi xin trả! - Phu nhân nói. Bà quay ra bảo người lão bộc lấy tiền rồi mang valy xuống bến.

Cô gái và cậu con trai chạy ra ngoài đê. Họ thoáng thấy có bóng người vừa phất tay áo chấm một nét lẻ loi nghiêng lệch góc trời. Vừa chớp mắt lại đã chẳng thấy bóng người ấy ở đâu nữa. Vừa chợp mắt đã lại thấy chỗ ấy có một cánh hạc vừa bay lên trời. Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt.

Về sau này, cậu con trai khi ấy đã thành một giáo sư văn học đã viết như sau trong một ghi chép của mình:

”Với một quãng thời gian không dài lắm ở ta trong thế kỷ XX phiền muộn và tàn nhẫn này may có dăm ba thi sĩ tài năng gắng gỏi xây nên một lâu đài văn học nhì nhằng bằng những câu thơ tuyệt vời in dấu sâu đậm trong tâm hồn người Việt vốn chẳng lấy gì làm đặc sắc, nhiều phần ngơ ngẩn hẹp hòi. Thi sĩ là người thế nào? Tiếc thay một số ít lại là những vị thánh bị bôi bẩn trong đám đông phàm phu tục tử mạnh mẽ lịch sử, nhiều tri thức và đầy kiều hãnh. Chúng tôi bán tín bán nghi về những cuộc đời bê bối, vớ vẩn và thê thảm của đôi người nhưng những cái gì thiếu mập mờ và khẳng định được đâu có phải thơ?

Je ne peux plus vous faire d’autres cadeaux que ceux de cette lumiére sombrre.. (Tôi chẳng thể hiến tặng gì ngoài ánh hào quang tăm tối ấy.. (Louis Aragon)

Hà Nội, tháng 4 năm 1998

N.H.T

Friday, October 21, 2011

Hot boy nổi loạn, bộ mặt đích thực của tình yêu và định kiến tàn nhẫn của xã hội

Sưu tầm từ bài viết của Mộc Hân blog.yume.vn

Nếu hỏi, tôi sẽ chấm bao nhiêu điểm cho Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, tôi sẽ rất đắn đo! Đắn đo không phải vì cân nhắc giữa ưu và khuyết của bộ phim, mà chỉ bởi đơn giản đây không phải là một bộ phim có thể đem ra đánh giá bằng những con số vô hồn từ 1 đến 10.





Bạn tìm kiếm điều gì khi đến rạp mua vé xem bộ phim này? Những trận cười, những giọt nước mắt, sự cảm thông, cái nhìn giễu cợt, cảnh nóng hay chỉ vì tò mò? Dù bạn đến rạp vì bất cứ lý do gì đi nữa, thì bạn cũng đã vô tình đóng trọn một vai trong rạp chiếu phim rồi, vai của bạn chính là “Xã Hội”.

Chưa có bộ phim Việt nào khiến tôi phải ngổn ngang trăm mối như bộ phim này. Ở những bộ phim khác, dù thành công hay thất bại, dù hay hay dở, thương mại hay không thương mại, bạn vẫn có thể xác định rõ ràng ranh giới giữa màn ảnh và đời thực! Còn khi đến với “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt”, nếu bạn đủ tinh ý để cảm nhận không khí xung quanh, bạn sẽ thấy phim không còn là phim, mà đích xác là đang diễn ra ngay trước mắt bạn, với những con người bằng xương bằng thịt. Đừng quên vai trò của những người ngồi xem phim cùng bạn trong rạp, tôi đã bảo là họ đang đóng trọn vai diễn của mình đấy thôi!

Một nhóm bạn gái trẻ tuổi, ăn mặc thanh lịch, ngoại hình sáng sủa, ngồi cười hô hố khi hai nhân vật nam chính khóc lóc thổ lộ tình cảm với nhau.

Trong khi đó, một chàng trai lặng lẽ trước màn hình, không bạn bè, không người thân, đơn độc trong rạp chiếu phim tấp nập người với người.

Một đôi tình nhân thích thú chỉ trỏ lên màn ảnh mỗi khi phim xoay đến những cảnh khoe da thịt nóng bỏng mắt.

Một bộ phận không nhỏ thốt lên những câu nói: "Thấy ghê..", "kinh tởm chưa kìa.." khi hai nam nhân vật hôn nhau, va chạm xác thịt.

Vài tiếng cười lại rộ lên khi đến cảnh ngã giá của những người hành nghề mại dâm đồng tính…

Và đâu đó, tôi có thể nghe thấy tiếng thút thít rất nhỏ của một vài bạn ngồi rải rác trong rạp! Là tiếng khóc vô hình, âm thanh mà bạn chỉ có thể nghe thấy bằng thị giác khi ánh đèn từ màn hình vô tình làm long lanh những giọt nước chảy dài trên gương mặt đầy góc cạnh của họ.

Phải nói rằng, một trong những thành công tuyệt vời nhất của bộ phim, là đã không có bất kì một phân cảnh nào diễn tả cái nhìn của những con người bình thường trước các nhân vật được xem là dị biệt. Bởi lẽ, hàng trăm khán giả trong phòng chiếu đã hoàn thành quá xuất sắc vai diễn này rồi!

Bộ phim, vô tình hay hữu ý, đã trở nên cực kì sống động, ngay trong phòng chiếu đông đúc những bạn trẻ thậm chí còn không biết rằng mình đang hóa thân vào một vai diễn rất quan trọng trong phim!

Và vai diễn mang tên “Xã Hội” của chính những người đi xem phim đã khiến cho tôi phải khóc nhiều hơn, đau nhiều hơn!

Khi mà xã hội vẫn còn đó quá nhiều con người dám cười thẳng vào tình yêu chân chính chỉ vì hai người yêu nhau là đồng tính, cười trên màn ngã giá, đốt phông lông của một cô gái đứng đường, thì thành công của bộ phim, doanh thu của bộ phim, rốt cuộc sẽ là đáng mừng hay đáng lo?

Tôi sẽ không bàn đến nội dung phim ở đây, vì có lẽ chỉ chính bạn mới biết mình sẽ tìm được gì từ bộ phim. Một cái kết dang dở, khán giả thì kẻ cười, người khóc, phần đông xem xong lại đứng bật dậy than vãn: “Kết thúc vô duyên quá vậy!”, khiến tôi vừa mừng mà cũng vừa buồn thay cho đạo diễn Vũ Ngọc Đãng!

Mừng vì, anh đã thực sự bỏ rất nhiều tâm huyết để làm phim, thực sự có một cái nhìn vừa chân thực, vừa cảm thông, vừa tiến bộ và mang tính thời đại với những con người vốn được xem là dị biệt, là lệch lạc. Ở một chừng mực nào đó, anh đã xóa đi định kiến trong tâm khảm của một số người trước những vấn đề xã hội nhức nhối, tạo niềm tin và hi vọng cho chính những người thuộc thế giới thứ ba, và quan trọng nhất, đã thành công trong việc làm ấm lòng những trái tim bị xã hội tổn thương của những con người bị gán hai chữ “dị biệt” vào số phận.

Nhưng, mặt khác, khi mà tiếng cười trong rạp lấn át hẳn tiếng khóc, thì xem ra, đó đã là một thất bại. Thất bại hiển nhiên không thuộc về nhà sản xuất phim, mà thuộc về nhận thức của giới trẻ hiện nay, vô hình trung khiến cho không khí rạp phim trở nên kệch cỡm, ảnh hưởng không ít đến thông điệp nhân văn của bộ phim.





Câu chuyện về văn hóa ứng xử

Những bạn trẻ đã vô tư cười đùa khi xem phim, vô tư giễu cợt trước tình cảm chân thành của hai nhân vật nam chính trong phim, có lẽ đã quá ngây thơ, hoặc vô tâm, khi không nhận ra rằng, những người khát khao yêu thương như trên màn ảnh kia lại đang hiện diện xung quanh các bạn. Một nụ cười của các bạn, chứng tỏ các bạn đã không tiếc tiền khi mua vé xem phim, một nụ cười của các bạn, chứng tỏ các bạn vẫn còn cảm xúc, nhưng cũng chính nụ cười của các bạn, đã dập tắt hi vọng của những người đồng tính đang lặng lẽ ngồi trong rạp (niềm hi vọng mà Vũ Ngọc Đãng và dàn diễn viên đã cố gắng lắm mới có thể truyền tải thông qua bộ phim của họ). Các bạn cười và cảm thấy sảng khoái, nhưng người tìm thấy tiếng nói chung với thông điệp của bộ phim lại cảm thấy như bị các bạn tát vào mặt vậy. Thế nên, tôi thành thật khuyên những ai đến rạp chỉ vì tò mò, chỉ vì cảnh nóng, chỉ vì cái mác “cấm trẻ em dưới 16”, các bạn xin đừng vào rạp làm gì, kẻo lại tổn thương đến những khán giả chân chính khác, phá hỏng mục đích cao đẹp của bộ phim. Nếu các bạn không đến để tìm sự cảm thông, không đến vì muốn nhìn nhận nghiêm túc về nạn mại dâm nam và nữ đang diễn ra trong lòng Sài Gòn nhộn nhịp, thì có lẽ bạn sẽ chẳng nhận được bất cứ điều gì khác bạn mong đợi từ bộ phim đâu! Hãy cứ ở nhà, search cảnh nóng mà xem một mình đi, đừng làm tổn thương đến người khác nữa, đừng làm mất giá trị văn hóa của rạp chiếu phim nữa, các bạn nhé!



Thursday, October 20, 2011

16 cuộc gọi nhỡ và sự ra đi của người vợ

Mỗi lần được bạn bè, họ hàng giới thiệu bạn gái, anh lại đây đẩy chối từ. Anh đã góa vợ 7 năm nay nhưng chưa bao giờ người ta thấy anh nói đến chuyện sẽ đi bước nữa. Dường như nỗi đau từ cái chết của vợ vẫn chưa thôi rỉ máu trong trái tim anh. Ngày vợ mất, anh như hóa điên. Anh tự đổ lỗi cho mình trước cái chết của chị và có lẽ sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho bản thân.

Vợ anh mất bởi một vụ tai nạn giao thông, khi anh vẫn đang mê mải say sưa bên bàn nhậu với bạn hữu.

Vợ anh mất bởi một vụ tai nạn giao thông, khi anh vẫn đang mê mải say sưa bên bàn nhậu với bạn hữu. Anh không gây ra cái chết cho chị, đó là một tai nạn mà không ai ngờ tới nhưng anh không bao giờ có thể chấp nhận được việc mình đã không có mặt bên vợ trong những phút cuối cùng của cuộc đời chị, khi mà chị cần anh nhất. Anh vẫn còn nhớ như in cái đêm định mệnh ấy.

7 năm qua, chưa một đêm nào anh ngủ ngon giấc. Cứ nhắm mắt lại là từng chi tiết lại hiện lên trong đầu anh, rõ mồn một. Anh như thể đã sống lại đêm đó, rất nhiều lần, nhưng anh chẳng thể làm gì để thay đổi mọi việc, anh không thể làm vợ mình sống lại. Mỗi ngày qua đi là một ngày lương tâm anh bị dằn vặt, cắn rứt. Anh mắc kẹt trong nỗi đau của quá khứ mà không sao thoát ra được.

Người chồng mắc kẹt trong quá khứ

Thỉnh thoảng anh lại lấy ảnh chị ra ngắm nhìn, anh ngắm chị nhiều tới nỗi bức ảnh bạc cả màu. Trong ảnh, chị vẫn cười thật tươi, thật hiền từ. Rồi anh lại tự hỏi: “Ở trên trời, chị vui hay buồn? Chị có tha thứ cho anh không?” Nhưng anh thì không thể tha thứ cho mình. Từ ngày chị mất, anh không hề thay đổi bất cứ một vật dụng gì trong nhà, bởi mỗi đồ vật đều nhắc anh nhớ tới chị, như thể chị vẫn còn đâu đây. Và như thế, những ngày hạnh phúc của anh chị dường như vẫn còn rất mới.
 
Anh cứ tự ru ngủ mình trong một quá khứ mơ hồ để níu kéo hình bóng của chị. Chị là mối tình đầu của anh. Anh chị yêu nhau từ thời còn ngồi trên ghế phổ thông. Tình yêu của họ đã trải qua đủ mọi cung bậc của cảm xúc, cả ngọt ngào lẫn đắng cay. Chị đã chờ đợi anh đến khi anh tốt nghiệp Đại học, có việc làm ổn định rồi mới tiến tới hôn nhân. Dù tình yêu đã trải qua rất nhiều thử thách, những tưởng rằng đã đến lúc chín muồi, nhưng hôn nhân lại là một chuyện hoàn toàn khác.
 
Những ngày đầu mới cưới, cũng như bao đôi uyên ương trẻ khác, đời sống của đôi vợ chồng trẻ rất mặn nồng, thắm thiết. Nhưng rồi, như một câu nói hài hước nhưng đầy triết lý: “Tình yêu là ánh sao trên trời, còn hôn nhân là cái hố mà khi mải ngắm sao người ta sa chân vào”, cuộc sống lứa đôi bắt đầu nảy sinh bao điều phiền nhiễu, rắc rối.
 
Hồi ấy, dù mới ra trường nhưng anh đã có một công việc khá tốt với mức lương mà nhiều người phải mơ ước. Anh thừa sức để lo cho gia đình một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Bởi vậy mà anh đề nghị chị bỏ công việc kế toán với mức lương bèo bọt để ở nhà nghỉ ngơi, có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình. Vợ anh vốn là người quảng giao, chị không muốn nghỉ việc, nhưng để chiều lòng chồng, chị vẫn gật đầu đồng ý.
 
Bốn bức tường và công việc nội trợ ngày nào cũng như ngày nào nhanh chóng khiến chị thấy nhàm chán. Cả ngày, chị chẳng có thú vui gì khác ngoài việc ngóng chồng về. Anh trở thành mối quan tâm duy nhất của chị.
 
Nhưng chị lại không phải mối quan tâm duy nhất của anh. Ngoài vợ ra, anh còn bao nhiêu chuyện khác phải lo nghĩ. Anh còn công việc, còn sự nghiệp, còn bước đường thăng tiến. Anh không thể lúc nào cũng về nhà đúng giờ và không tỏ ra mỏi mệt. Anh không thể tối nào cũng ăn những bữa cơm chị nấu. Anh còn phải giao lưu, nhậu nhẹt với bạn bè, tiếp khách với cấp trên… Nhưng vợ anh thì không thể thông cảm điều ấy. Chị yêu và lo lắng cho anh rất nhiều. Chị sợ rằng anh uống rồi say xỉn, tự đi xe sẽ rất nguy hiểm. Chị sợ rượu bia nhiều sẽ làm hại sức khỏe của anh.
 
Bởi vậy mà mỗi khi anh về muộn, chị lại liên tục gọi điện hỏi han, nhắc nhở. Có nhiều lần, chị còn tới tận nơi anh đang uống rượu để chờ đưa anh về. Chị không ồn ào, chỉ nhẫn nại và kiên trì quan tâm anh, nhưng với anh, đó là cả một sự nhiễu nhương. Anh khó chịu vì sự chăm lo thái quá của vợ. Anh xấu hổ với bạn hữu khi được vợ đưa về. Những cuộc điện thoại của chị là sự quấy rối đối với anh. Anh cảm thấy mình mất tự do vì bị vợ “quản lý”. Giữa hai vợ chồng bắt đầu nảy ra những cuộc cãi cọ.

Cả cuộc đời này, có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ tha thứ được cho bản thân.

Anh chị cãi nhau ngày càng nhiều hơn. Chị giận dỗi, còn anh vẫn nhậu nhẹt như cũ. Dù biết rằng động cơ của vợ chỉ là tình yêu với mình, nhưng anh vẫn không thể gạt khỏi đầu những nỗi bực tức, khó chịu. Chán nản cảnh chồng vợ lạnh nhạt, anh càng đi nhiều hơn, mải miết hơn với những cuộc bia rượu. Anh biết rằng mỗi khi trở về, chờ đón anh sẽ là bộ mặt nhăn nhó và những lời nhiếc móc của vợ, dù rằng sau đó chị có chăm sóc anh chu đáo thế nào đi nữa, nhưng thái độ của chị vẫn luôn khiến anh cảm thấy nặng nề.

Anh chỉ ước gì chị niềm nở chào đón anh, nói với anh những lời yêu thương ngọt ngào, dịu dàng và trừu mến với anh như trước đây, nhưng chị đã không làm thế. Chị đã không hiểu được nỗi lòng của anh, cũng như anh đã không thấu hiểu cho chị. Khoảng cách giữa hai người cứ dần giãn ra trong khi tình yêu vẫn còn sâu đậm. Không ai cố gắng để nói với ai, họ chỉ âm thầm đau khổ.

Nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi

Rồi vào cái đêm định mệnh ấy, anh ngồi nhậu với bạn như bao lần khác. Càng về khuya, cuộc rượu càng vào hồi rôm rả. Khi rượu đã ngà ngà, những người đàn ông mới nói đủ thứ trên trời, dưới bể, và chuyện gì cũng thật hấp dẫn, hay ho và có duyên cả, bởi vậy, dù đồng hồ đã điểm sang ngày hôm sau, nhưng vẫn chẳng ai muốn bỏ cuộc vui.
 
Và cũng như bao lần khác, máy điện thoại của anh rung lên bần bật bởi những cuộc điện thoại của vợ. Anh biết, nếu nhấc máy lên, như bao lần khác, anh sẽ nghe ở đầu dây bên kia những lời thúc giục, ca cẩm đến sốt ruột của chị. Bởi vậy, anh nhăn nhó chuyển máy sang chế độ im lặng rồi nhanh chóng đút lại chiếc điện thoại vào chỗ quen thuộc của nó trong túi quần. Anh vẫn say sưa nhậu tiếp với bạn, quyết không để những lời phàn nàn của vợ làm cuộc vui đứt quãng. Nhưng điện thoại không ngừng rung khiến cho anh cáu kỉnh, bực tức, lầm rầm chửi rủa, anh tắt máy. Thế là yên chuyện! Cuộc nhậu lại vào hồi say sưa, vui vẻ.
 
Nhưng ở đầu dây bên kia, vợ anh đang cố gọi cho anh bằng chút sức lực cuối cùng. Đứng trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, trong đầu chị chỉ có hình bóng của anh. Ước nguyện của chị chỉ là được nhìn thấy anh trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, được nói với anh một lời yêu thương cuối. Nhưng anh đã không bắt máy. Đáp lại chị chỉ có những tiếng tút dài vô cảm đến vô tận. Chị đã không gặp được anh. Chị đã đối diện với cái chết bằng sự cô đơn đến cùng cực. Chị đã ra đi vĩnh viễn.
 
Còn anh, sau cuộc nhậu trở về, anh đã say xỉn tới mức lăn ra ngủ khi vừa bước chân về tới nhà. Anh không còn đủ tỉnh táo để nhận ra sự vắng mặt của vợ. Nhưng giấc ngủ của anh nhanh chóng bị đánh thức bởi những tiếng gọi thất thanh của mẹ. Mẹ anh với vẻ mặt thất thần, đôi mắt sưng húp nhòa nước báo cho anh cái tin dữ: vợ anh đã mất vì một vụ tai nạn giao thông. Cái tin vợ chết như một gáo nước buốt giá dội thẳng vào anh, làm tan hết hơi rượu. Anh sực tỉnh, hoảng hốt lao đi tìm vợ. Nhưng khi anh đến thì đã quá muộn. Chị nằm đó, hai mắt nhắm nghiền, toàn thân lạnh toát, sự sống đã rời bỏ chị, và anh tưởng rằng nó cũng đang rời bỏ anh.
 
Người ta kể lại rằng chị bị một tay tài xế ngủ gật đâm phải khi một mình ra đường giữa đêm. Anh quặn lòng khi biết khi ấy chị đang đi tìm anh. Thứ cuối cùng của chị người ta đưa cho anh là chiếc điện thoại xây xát. Họ bảo rằng khi xe cấp cứu đến, chị vẫn còn khá tỉnh táo, chị giữ chặt điện thoại trong tay và liên tục gọi, gọi đến khi chị ngất lịm và rơi vào hôn mê. Anh run rẩy cầm chiếc điện thoại của vợ, thấy trong đó có 16 cuộc gọi đến máy của anh và một tin nhắn còn chưa kịp gửi. Chị đã viết, vẻn vẹn rằng: “Em xin lỗi vì tất cả. Yêu anh”.
 
Chỉ vài chữ ấy thôi nhưng là tất cả sức lực còn lại của chị, anh biết điều ấy. 16 cuộc điện thoại của vợ, anh đã lạnh lùng không nghe một cuộc nào vì nghĩ rằng đó là chuyện nhảm nhí. Giờ đây, khi đứng trước di ảnh của chị, anh đau tới mức không thể rơi nổi nước mắt. Cả cuộc đời này, có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ tha thứ được cho bản thân.
 
(Theo PNToday)

Monday, October 10, 2011

Cụ bà bán rau



5' phút đọc và cả cuộc đời suy nghĩ
-------------------------...---------

Ăn rau không chú ơi?

Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.

- Ăn hộ tôi mớ rau...!

Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. "Mình thương người thì ai thương mình" - cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.

- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.

- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!

Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.

Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:

- Rau này bà bán bao nhiêu?

- Hai nghìn một mớ - Bà cụ mừng rỡ.

Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.

- Sao chú mua nhiều thế?

- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!

Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.

Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ...

-Nghỉ thế đủ rồi đấy!

Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.

Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.

Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế.

Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.

Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:

- Bà bán rau chết rồi.

- Bà cụ hay đi qua đây hả chị? - chị bán nước khẽ hỏi.

- Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.

- Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.

Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi.

Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ...!



[cú]---st---

Thursday, September 29, 2011

“HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT” TỪ TRUYỆN CỔ DÂN GIAN ĐẾN KỊCH BẢN CỦA LƯU QUANG VŨ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA MỘT TRIẾT LÝ SỐNG

http://www.khoahoc.com.vn/photos/image/2010/05/31/soul.jpg

Từ sự so sánh về quan điểm triết lý giữa truyện cổ dân gian “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt” và vở kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ, bài viết đã nêu lên những nét mới, rất có ý nghĩa trong tác phẩm của nhà soạn kịch nổi tiếng này. Nếu cốt truyện dân gian chỉ đơn giản đề cao, tuyệt đối hoá vai trò của linh hồn đối với thể xác, thì đến vở kịch của Lưu Quang Vũ, vấn đề đã được ông đào sâu, mở rộng và phát triển hơn rất nhiều. Ông có quan niệm khác về mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác - đó là mối quan hệ hữu cơ, tác động lẫn nhau. Hơn nữa, ông còn mở rộng tầm triết lý sang cả những vấn đề nhân sinh khác, như vấn đề xung đột giữa nhu cầu tự nhiên và nhân cách, vấn đề đấu tranh trong bản thân mỗi con người để hoàn thiện nhân cách làm người, v.v.. Vở kịch của Lưu Quang Vũ, vì thế, không chỉ là thành quả to lớn của nền kịch nói hiện đại Việt Nam, mà còn là một đóng góp đặc sắc của ông vào quan niệm triết lý nhân sinh nói chung.

Trong bài viết này, chúng tôi không so sánh một cách toàn diện giữa một truyện cổ dân gian và một vở kịch dài hiện đại, cũng không so sánh về toàn bộ nội dung tư tưởng, mà chỉ so sánh về tư tưởng triết học - phần cốt lõi của cả hai tác phẩm.

Truyện cổ dân gian: Ngày xưa, có một người tên là Trương Ba, người còn trẻ tuổi nhưng đánh cờ tướng rất giỏi. Nước cờ của anh dễ thường thiên hạ không có người nào địch nổi. Bao nhiêu giải cờ trong những hội hè mùa xuân đều về tay anh. Tiếng đồn vang khắp nước, sang đến tận Giang Nam. Buổi ấy, ở Trung Quốc, có ông Kỵ Như cũng nổi tiếng cao cờ. Khi nghe tiếng Trương Ba, Kỵ Như liền khăn gói sang Nam tìm đến nhà địch thủ. Hai người đọ tài nhau trong mấy ván vẫn không phân thua được. Nhưng đến ván thứ ba, Trương Ba dồn Kỵ Như vào thế bí. Thấy đối phương vò đầu suy nghĩ, Trương Ba kiêu hãnh bảo:

- Nước cờ này dù có Đế Thích xuống đây cũng không thể gỡ nổi.

Bấy giờ Đế Thích là thần cờ ở thiên đình, bỗng nghe câu nói hỗn xược của Trương Ba xúc phạm đến mình, liền cưỡi mây xuống trần định cho y biết tay. Trương Ba và Kỵ Như đang đánh, chợt có một ông cụ già đến ngồi bên cạnh bàn cờ. Ông cụ thủng thỉnh mách cho Kỵ Như mấy nước. Tự nhiên, bên Kỵ Như cờ bại thành thắng. Trương Ba cau có, trong bụng tức giận ông già ở đâu đến làm cho mình lâm vào thế bí. Nhưng nhìn thấy ông cụ râu tóc trắng xóa, mặt mũi không có vẻ là người trần tục, chợt hiểu, liền sụp xuống lạy mà rằng: “Ngài hẳn là thần Đế Thích đây rồi, tôi người trần mắt thịt không biết, xin thứ lỗi”. Đế Thích cười bảo: “Ta nghe như nhà ngươi tự phụ là cao cờ nên xuống xem cho biết”. Trương Ba liền giữ Đế Thích lại mua rượu, giết gà, khoản đãi rất chu tất. Đế Thích tuy mới gặp cũng rất yêu mến Trương Ba. Thấy anh khẩn khoản muốn học nước cờ của mình, Đế Thích bảo anh: “Ta thấy nhà ngươi có bụng chân thành, vậy ta cho một bó hương này, mỗi lần cần đến ta thì thắp lên một cây, ta sẽ xuống”. Nói đoạn, cưỡi mây bay lên trời.

Từ đó, Trương Ba thỉnh thoảng lại dọn cờ mời thầy Đế Thích xuống chơi. Hai bên rất tương đắc. Nhưng một hôm, Trương Ba bị cái chết mang đi một cách đột ngột. Sau khi chôn cất chồng, người vợ dọn dẹp nhà cửa, thấy có nén hương giắt ở mái nhà, chị ta vô tình lấy xuống đốt lên cắm trước bàn thờ chồng. Ở thiên đình, thần Đế Thích nhận được tin bằng mùi hương liền xuống ngay. Thấy vắng mặt Trương Ba, Đế Thích ngạc nhiên: “Trương Ba đâu?”. Vợ Trương Ba sụt sịt: “Nhà tôi chết đã gần một tháng nay rồi!” - “Chết rồi! Sao lúc mới tắt thở không gọi ta xuống ngay, để đến bây giờ còn làm thế nào được nữa?”. Suy nghĩ một chút, Đế Thích lại hỏi thêm: “Trong xóm hiện nay có ai mới chết không?”. Vợ Trương Ba đáp: “Có một người Hàng thịt mới chết tối hôm qua”. Thần Đế Thích bảo chị ta dẫn mình đến nhà người Hàng thịt mà bảo: “Ta sẽ kiếm cách làm cho chồng nhà ngươi sống lại”. Nói xong, thần hóa phép rồi trở về trời.

Nói chuyện trong nhà người Hàng thịt lúc đó, mọi người đang xúm quanh linh sàng khóc lóc kể lể thì tự nhiên thấy người chết ngồi nhỏm dậy. Hắn ta vứt tất cả mọi đồ khâm liệm rồi chẳng nói chẳng rằng đi thẳng một mạch về nhà Trương Ba. Vợ Trương Ba thấy người Hàng thịt, biết là thần Đế Thích đã làm cho chồng mình sống lại, mừng rỡ đón vào. Giữa lúc đó, thì vợ con người Hàng thịt cũng chạy theo níu lấy chồng nhưng không những bị vợ Trương Ba giằng lại, mà ngay chính chồng mình cũng nhất định không chịu về. Đôi bên cãi cọ nhau, cuối cùng biến thành cuộc đấu khẩu rất kịch liệt. Xóm làng không biết phân xử ra sao, đành đem việc đó lên quan.

Quan cho đòi các nhà hàng xóm tới hỏi cung thì ai cũng bảo người sống lại đó là anh Hàng thịt. Nhưng chỉ có vợ Trương Ba thì nhất định nhận ra là chồng mình”. Quan hỏi rằng: “ Chồng chị ngày thường hay làm gì?”. Đáp: “chồng tôi chỉ thạo đánh cờ mà thôi”. Quan lại hỏi vợ người Hàng thịt: “chồng chị ngày thường hay làm nghề gì?”. Đáp: “chồng tôi chỉ thạo nghề mổ lợn”.

Nghe đoạn, quan sai đem một con lợn vào công đường cho anh Hàng thịt mổ, nhưng anh ta lúng túng không biết làm thế nào cả. Quan lại sai mấy người giỏi cờ vào tỉ thí với người Hàng thịt thì không ngờ, con người đó đi những nước cờ rất cao không ai địch nổi. Quan bèn phán cho về nhà Trương Ba.

Vì thế mới có câu “ Hồn Trương Ba, da Hàng thịt”(1).

Như vậy, truyện cổ dân gian Hồn Trương Ba, da Hàng thịt cũng quan niệm linh hồn phải có thể xác mới có chỗ trú ngụ và thể xác phải có linh hồn mới sống được, mới không rữa nát. Nhưng truyện cổ dân gian tuyệt đối hóa vai trò của linh hồn, coi nhẹ thể xác, nên khi Trương Ba mượn được thể xác của người Hàng thịt thì Trương Ba coi mình là Trương Ba 100% trong ý thức, trong tình cảm, trong tính cách, tuyệt nhiên không băn khoăn gì về hình dạng của mình. Vợ Trương Ba cũng vậy, khi thấy chồng là thân xác anh Hàng thịt nhưng tâm trí là Trương Ba - chồng mình - thì cũng không băn khoăn gì, nhận ngay và vui vẻ chung sống. Vợ anh Hàng thịt chỉ thấy đơn giản là hình dạng chồng mình sống lại nên đấu tranh khiếu kiện giành giật về cho mình, mặc dù anh ta đã nói anh ta là Trương Ba và chạy về nhà Trương Ba. Quan phủ sau khi kiểm tra kỹ năng mổ thịt lợn và nhất là kỹ năng chơi cờ thì quyết định xử ngay cho anh - Hàng - thịt - mang - hồn Trương Ba về với vợ Trương Ba. Phép thử mổ thịt có thể không chính xác, vì anh Hàng thịt nếu thích vợ Trương Ba có thể giả vờ mổ vụng; nhưng phép thử chơi cờ thì không thể sai được, vì nó thuộc về trí tuệ, về năng khiếu tính toán trong loại hình thể thao trí tuệ đặc biệt, cũng chính là một biểu hiện, một phương diện đặc sắc của linh hồn. Nó xác định, khẳng định linh hồn đó chỉ có thể là Trương Ba - người sinh thời chơi cờ rất giỏi.

Với cốt truyện ngắn gọn, mang một tư tưởng triết học có phần hơi đơn giản - đề cao, tuyệt đối hóa linh hồn, không để ý đến mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn, tách rời linh hồn và thể xác, coi thể xác chỉ như cái túi đựng linh hồn - truyện cổ dân gian Hồn Trương Ba, da Hàng thịt phù hợp với quan niệm xưa, qua bao thế kỷ vẫn được kể, được yêu thích và không hề gây tranh cãi.

Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, của con người và khoa học (sinh lý học và tâm lý học), tư tưởng triết học về con người cũng trở nên phong phú hơn, sâu sắc hơn và toàn diện hơn. Từ đó, tư tưởng triết học trong truyện cổ dân gian đã được Lưu Quang Vũ, nhà viết kịch tài năng của thời hiện đại, nhìn nhận lại và phát triển theo trình độ nhận thức của thời đại, theo yêu cầu nhân sinh và thẩm mỹ của thời hiện đại.

Tóm tắt vở kịch của Lưu Quang Vũ. “Nam Tào, Bắc Đẩu đang ngồi chấm người phải chết trong ngày. Đế Thích đến tỏ ý muốn xuống hạ giới để tìm người cao cờ đánh cho vui. Vì vội đi dự tiệc ở bên dinh Thái thượng nên Nam Tào gạch bừa tên Trương Ba.

Trương Ba đang chăm vườn và trò chuyện cùng vợ, cháu gái nội, con trai, con dâu thì Trưởng Hoạt đến chơi cờ. Đế Thích xuất hiện, giúp Trưởng Hoạt gỡ thế cờ. Đế Thích cho Trương Ba mấy nén hương và bảo nếu cần thì thắp một nén là Đế Thích xuống, thắp ba nén thì có thể lên thiên đình gặp Đế Thích. Sau đó, Trương Ba thấy trong người khó chịu và chết.
Nam Tào, Bắc Đẩu và Đế Thích đang trò chuyện thì vợ Trương Ba lên (bà ta vô tình thắp ba nén hương cho chồng). Bà đòi trả mạng sống cho chồng. Nhân có anh Hàng thịt mới chết, thân xác chưa tan rữa, Nam Tào, Bắc Đẩu cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh Hàng thịt để sống lại.
Gia đình người Hàng thịt đang ngồi bên quan tài thì người Hàng thịt đội nắp quan tài lên, đòi về nhà Trương Ba, không chịu ở lại nhà Hàng thịt. Vợ Trương Ba đến xem phép mầu nghiệm ứng để đón chồng. Lúc đầu, mọi người đều ngỡ ngàng nhưng hồn Trương Ba đã nói được những điều chỉ có Trương Ba xưa mới biết, nên vợ Trương Ba nhận chồng, Trưởng Hoạt nhận bạn. Hồn Trương Ba (trong xác anh Hàng thịt) về nhà Trương Ba.

Nhưng bà vợ băn khoăn vì thân xác chồng khác xưa nhiều quá. Bà cũng thắc mắc về việc chồng phải sang giúp chị Hàng thịt mổ lợn mặc dù vụng về.

Anh con trai thì hy vọng với sức vóc mới, bố có thể cùng đi buôn lậu với mình. Hồn Trương Ba đã tát con với sức mạnh của cánh tay anh Hàng thịt.
Lý trưởng vào bắt hồn Trương Ba phải về nhà Hàng thịt. Anh con trai hối lộ, Lý trưởng xử: ban ngày ở nhà Trương Ba, đêm về nhà Hàng thịt. Anh con trai lại có lời, Lý trưởng cho phép Trương Ba chỉ phải ở nhà Hàng thịt đến nửa đêm thì được về.

Trời đã khuya, hồn Trương Ba giúp chị Hàng thịt mổ lợn, pha thịt xong, chuẩn bị về thì chị ta giữ lại mời rượu rồi mời ở lại. Hồn Trương Ba lúc đầu định xuôi theo nhưng đã đấu tranh tư tưởng, gỡ tay chị ta, về nhà.
Trưởng Hoạt sang phê phán Trương Ba bắt đầu đổi tính: uống rượu, đòi ăn ngon, nước cờ đi cũng khác.

Lý trưởng lại đến sách nhiễu. Cháu gái không nhận ông, người con dâu cũng than phiền bố chồng thay đổi.

Một cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác người Hàng thịt diễn ra; qua đó, xác người Hàng thịt khẳng định thế lấn tới của y đối với hồn Trương Ba.

Hồn Trương Ba đốt một nén hương gọi Đế Thích xuống giải thoát cho mình. Lúc đó, cu Tỵ nhà hàng xóm bị ốm nặng, sắp chết. Đế Thích bảo hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tỵ. Trương Ba từ chối, xin cho cu Tỵ sống, còn mình xin trả lại xác cho người Hàng thịt và chấp nhận cái chết.
Hồn Trương Ba nhập vào màu xanh cây vườn trò chuyện với vợ”.

Trước hết, Lưu Quang Vũ có kế thừa tư tưởng của truyện cổ dân gian. Ông cũng nhấn mạnh vai trò cao hơn của linh hồn so với thể xác. Trương Ba khi sống lại trong thân xác anh Hàng thịt thì nhận biết mình là Trương Ba (dựa vào ký ức, tình cảm và ý thức của hồn Trương Ba) và về ngay nhà mình (nhà Trương Ba). Vợ Trương Ba, sau khi kiểm tra ký ức của Trương Ba (mới), cũng nhận là chồng mình và giữ lại. Trưởng Hoạt, bạn của Trương Ba, khi kiểm tra ký ức của Trương Ba (mới) về tình bạn giữa hai người, cũng xúc động ôm hôn ngay bạn mình, mặc dù anh ta lúc này đã mang thân xác xa lạ. Cô con dâu thì lại càng thương cha chồng, mặc dù cha lúc này mang vóc hình ông Hàng thịt, vì điều chị ta tìm thấy ở ông là đức tính nhân hậu hệt như cha chồng xưa. Chị ta nói khá đúng, khá đủ, khá cơ bản về linh hồn: “Đã gọi là hồn làm sao có hình thù, bởi nó không là vuông hay tròn, mà là vui buồn, mừng giận, yêu ghét. Thầy vẫn dạy chúng con: Cái bề ngoài có quan trọng gì, chỉ có tấm lòng yêu thương và trí tuệ cao sáng của con người ta là đáng kể”.

Tuy nhiên, Lưu Quang Vũ không dừng lại ở đó.

Đầu tiên, hồn Trương Ba tỏ ra lạ lẫm, khó chịu với sự khác lạ của thân xác mình.

Rồi anh ta cảm thấy thân xác đó bắt đầu chi phối anh: cũng thích ăn tiết canh, uống rượu, nói to và có sức khỏe (không đau lưng, không hen nữa, tát con chảy máu mồm).

Khi ông Lý xử anh phải sang nhà chị Hàng thịt một số giờ trong ngày thì anh cũng tấm tắc khen ngon mấy món ăn của chị ta. Chị Hàng thịt thì biết linh hồn trong thể xác chồng mình không phải là của chồng mình mà là của Trương Ba, nhưng chị ta càng quý hơn vì nó tốt đẹp và dịu dàng, điều mà chị ta không thấy ở người chồng thô bạo đã khuất. Sự cô đơn về thân xác và linh hồn khiến chị càng khao khát hồn Trương Ba. Hồn Trương Ba cũng bị rung động trước sự gần gũi với vợ người Hàng thịt và phải tự đấu tranh để thoát ra khỏi vòng tay âu yếm của thị. Vợ Trương Ba cũng dần cảm thấy chồng khác trước và nảy sinh mặc cảm, tự ti về sức khỏe và nhan sắc trước hình vóc trẻ khỏe của hồn Trương Ba. Đến đây, ta đã thấy sự tồn tại độc lập của thân xác đối với linh hồn, sự chi phối của thân xác đối với linh hồn cùng những phiền toái do sự không hòa hợp, không thống nhất giữa linh hồn và thân xác.

Đỉnh cao của tư tưởng triết lý trong vở kịch là sự đối thoại giữa linh hồn và thân xác. Cuộc đối thoại này cho thấy con người ta có hai phần là linh hồn và thể xác. Hai phần đó có quan hệ hữu cơ với nhau. Linh hồn có cơ sở vật chất là thể xác, cũng như nhận thức lý tính phải bắt đầu từ cảm tính; tình cảm hình thành từ những quan hệ cụ thể trong đời thường; cảm xúc thẩm mỹ phải dựa trên các cảm quan thị giác, thính giác... Thể xác cũng có tính độc lập tương đối, có tiếng nói riêng, có nhu cầu tự nhiên hợp lý, không thể bỏ qua. Nhưng, linh hồn phải kiểm soát những nhu cầu đó, phải điều chỉnh, thăng hoa, “Người” hóa, văn hóa hóa những nhu cầu ấy. Con người nói chung phải biết kìm hãm, tiết chế những nhu cầu bản năng và nếu cần, biết đè nén, biết hy sinh nó. Linh hồn và thể xác là một thể thống nhất; trong đó, linh hồn giữ vị trí chủ đạo, nên linh hồn phải chịu trách nhiệm cuối cùng về hành động của thể xác, không thể thỏa mãn mọi nhu cầu ở mọi mức độ, mọi nơi, mọi lúc rồi đổ trách nhiệm cho thể xác. Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác thực sự là cuộc đấu tranh trong bản thân con người để làm chủ những nhu cầu và ham muốn, nhất là khi bị hoàn cảnh tác động. Đó là cuộc đấu tranh để làm chủ bản thân và hoàn thiện nhân cách. Ở đây, cuộc đấu tranh này cũng cảnh báo khả năng lấn át của thể xác - tức của những nhu cầu tầm thường - đối với linh hồn - tức là đối với khát vọng sống cao khiết.

Hành động chấp nhận cái chết, trả lại xác cho anh hàng thịt của Trương Ba là một hành động đúng đắn, một hành động dũng cảm và đạo đức. Từ sự lý giải lại một cách biện chứng về quan hệ giữa thể xác và linh hồn trên triết lý nhân sinh của thời đại, Lưu Quang Vũ đã đi đến một quan niệm sống đẹp: sống chân thật, mình phải chính là mình, cả linh hồn và thể xác, sống vì mọi người, vì hạnh phúc và sự tốt đẹp của con người. Trương Ba chết, nhưng hồn Trương Ba vẫn sống - sống trong tình cảm của mọi người, sống mà không cần mượn đến thân xác của ai hết.
Trước khi kết thúc, tác giả còn đưa nhân vật vào cuộc thử thách cuối cùng, đặt nhân vật trước một sự lựa chọn: chấp nhận cái chết hoặc nhập vào xác cu Tỵ - một em bé hàng xóm vừa chết. Trương Ba không thể tái diễn bi kịch sống trong thân xác mượn của người khác: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Vì thế, ông đã xin cho cu Tỵ được sống lại, còn mình thì xin được chết.

Thực chất, đó là lời tái khẳng định của tác giả đối với quan niệm sống đẹp mà ta nhắc đến ở trên. Bi kịch xung đột giữa linh hồn và thể xác không thể được giải quyết theo đúng cái cách đã tạo ra bi kịch. Đến đây, cái “chết hẳn” của Trương Ba lại thể hiện một chiến thắng thuyết phục của “tồn tại – người”, của nhân cách, của khát vọng hoàn thiện nhân cách của con người.

Không phải chờ đến khi các nhà ngoại cảm và lý thuyết trường sinh học xuất hiện, Lưu Quang Vũ đã khẳng định, theo cách của ông, thân xác của từng cá thể người tồn tại hữu hạn, nhưng sự sống và linh hồn của con người là bất tử. Tư tưởng triết lý của Lưu Quang Vũ về con người vừa biện chứng, vừa lạc quan và cao thượng. Điều này, cùng với tài năng sáng tạo nghệ thuật tác giả, đã làm cho vở kịch có giá trị nhân văn cao, vươn tới tầm nhân loại.

Vấn đề quan hệ giữa linh hồn và thể xác trong Hồn Trương Ba, da Hàng thịtcòn có thể làm ta liên tưởng đến mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong mỗi sự vật. Đương nhiên, mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác, giữa nội dung và hình thức là hai cặp phạm trù không đồng nhất, không thể suy cái này ra cái kia một cách tịnh tiến. Tuy vậy, từ sự không đồng nhất, thậm chí đối lập giữa linh hồn và thể xác trong vở kịch, ta có thể liên tưởng tới sự thống nhất cần có giữa nội dung và hình thức là hai mặt của thực tại tự nhiên và xã hội. Khi nội dung và hình thức phù hợp với nhau thì sự vật tồn tại và phát triển. Khi nội dung và hình thức không phù hợp với nhau thì sự phát triển bị kìm hãm và thậm chí, sự tồn tại của sự vật bị đe dọa.

Liên tưởng trên không hề có khi đọc truyện cổ dân gian, mà nếu có, thì đó chỉ là sự tuyệt đối hóa nội dung, xem thường hình thức và tách rời nội dung khỏi hình thức, một tư duy siêu hình mang tính tiên nghiệm.
Từ triết lý đơn giản trong truyện cổ dân gian về vai trò quan trọng thứ nhất của linh hồn, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo nên một vở kịch có sức lôi cuốn mạnh mẽ, gửi tới người đọc một thông điệp sâu sắc về triết lý sống: thể xác và linh hồn có quan hệ hữu cơ với nhau; con người không thể chỉ sống bằng thể xác, mà phải luôn luôn đấu tranh với bản thân để có sự thống nhất hài hòa giữa linh hồn và thể xác, hướng tới một lối sống cao thượng, vươn tới một nhân cách hoàn thiện.

(Nhà giáo ưu tú ĐẶNG HIỂN -Tạp chí Triết học)

-----------------------
(1) Xem: Nguyễn Đổng Chi. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, t. 2. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr.81.

Sunday, September 4, 2011

Cắm hoa

Bữa nay đầy tháng con cô Mười... trổ tài cắm hoa, khoe mọi người chơi ^^
Photobucket

Đây là bàn thờ tổ tiên nhà nội ^^. Để hoa giữa nhà, nổi nhất nhà ^^


Photobucket

Sunday, July 24, 2011

PHƠI (nguyenhaithao@multiply)

http://www.adorablepetsitters.co.uk/images/cat_play1.jpg


Em phơi tình ngoài hiên nắng
Vườn xuân lắm kẻ rập rình
Thập thò ngõ sau, ngõ trước
Trống tình gõ nhịp Ngũ Liên

Em phơi tình trong đêm vắng
Phòng khuya cửa đóng then cài
Thịt da ngọt ngào lên tiếng
Nào đâu kẻ biết, người hay?!

Em phơi tình trên gác nhỏ
Chiều nay có gã si tình
Gửi chi một nụ hôn gió
Làm em ngây ngất con tim!!

------------------------------

JP:  được tặng thơ, thật là thích. Cám ơn anh!

Thursday, July 7, 2011

Cần Tình

http://xedapdoi.vn/xddms/upload/fck/55720776_dabe444cd7.jpg



Như bao kẻ nhàn du đi đâu cá,
Mang cần tình ta hăm hở đi câu,
Thả tim đỏ xuống dòng đời đùng đục,
Bị rỉa mòn mà chả thấy cắn câu...

(Kata)

Monday, July 4, 2011

Hong Tình...

http://images.yume.vn/blog/200904/08/12611621239151355.jpg



Bấy lâu tình cất tận đáy lòng,
Buổi chiều mưa gió, lấy ra hong,
Sợ lâu nổi mốc, sinh mùi lạ,
Rồi ẩm, rồi ương vứt đi tong.

(kata làm biếng yêu...)


Wednesday, June 29, 2011

Giết 1 người bạn

http://tieuthany.files.wordpress.com/2010/04/c101.jpg
 

   Năm nay tôi đã gần bảy mươi tuổi. Cái tuổi mà con cháu đã có thể chúc thọ được rồi. Tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện cuộc đời. Nhưng có một câu chuyện mà tôi không thể nào quên được. Tôi viết lá thư này gửi các anh, các chị để kể lại câu chuyện mà tôi là một người liên quan đến câu chuyện đó. Hy vọng, câu chuyện của tôi nếu được in lên sẽ nói với bạn đọc gần xa một điều gì đó về cuộc đời này.

    Câu chuyện xảy ra vào năm cuối cùng trong đời sinh viên của tôi, ở ký túc xá mà tôi ở lúc đó. Một hôm, chúng tôi đi tập quân sự. Duy chỉ có một người trong phòng kêu ốm và ở lại. Người đó là S, quê ở Thanh Hóa. Buổi chiều trở về, tôi sắp xếp lại đồ đạc cá nhân và hoảng hốt nhận ra một chỉ vàng của tôi không cánh mà bay. Đó là chỉ vàng mà cha mẹ cho để mua xe đạp đi làm sau khi tôi ra trường. Ngay lúc đó, tôi nhìn S đang nằm quay mặt vào tường và hoàn toàn tin rằng S đã lấy cắp chỉ vàng của tôi. Tôi đề nghị mọi người trong phòng cho tôi khám tư trang của họ. Cuộc khám xét không thành công.

    Nhưng qua phân tích của chúng tôi và qua thái độ hoang mang của S, chúng tôi đều tin S đã giả ốm ở nhà để lấy cắp chỉ vàng của tôi. Chúng tôi đã báo cáo sự việc với nhà trường. Bảo vệ nhà trường cho biết, buổi sáng chúng tôi đi tập quân sự thì S có ra khỏi trường khoảng một giờ đồng hồ. Mặc dù S cả quyết không hề lấy cắp chỉ vàng ấy, nhưng chúng tôi và nhà trường đã tiến hành nhiều cuộc họp để chất vấn và khẳng định thủ phạm vụ trộm đó là S.

    Một tuần sau, chúng tôi phát hiện S mang một tải mì sợi ra ga tàu mang về quê. Chúng tôi túm lại hỏi S lấy tiền đâu mà mua mì sợi. S không nói gì mà ôm mặt khóc. Năm đó, nhà trường đã không xét tốt nghiệp cho S mặc dù học lực của S rất khá, với lý do đã có hành vi đạo đức xấu và không trung thực với tội lỗi của mình. Chúng tôi hồ hởi nhận bằng tốt nghiệp và quyết định phân công công tác. Chỉ có S không được nhận bằng tốt nghiệp và tạm thời không được phân công công tác. Đồng thời nhà trường có công văn gửi về địa phương S sinh sống đề nghị địa phương theo dõi và giáo dục S. Khi nào địa phương chứng nhận S đã hối cải và tiến bộ thì nhà trường sẽ xem xét giải quyết trường hợp của S.

    Thời gian cứ thế trôi đi. Một số bạn bè học cùng chúng tôi vẫn có liên lạc với nhau. Duy chỉ có S là không ai biết rõ ràng ở đâu và làm gì. Nhà trường cho biết, S cũng không quay lại trường để xin cấp bằng và phân công công tác.

    Ngày tháng trôi qua, tôi chẳng còn nhớ tới chỉ vàng bị lấy cắp năm xưa. Trong đám bạn bè tôi, có những người rất thành đạt. Đặc biệt H đã trở thành một người rất giàu có bằng năng lực và sức lao động của chính anh. Anh là một người được xã hội biết đến.

    Một hôm, sau ngày tôi vừa nghỉ hưu, có một thanh niên mang đến nhà tôi một lá thư và một cái hộp giấy nhỏ. Anh thanh niên nói là một người nhờ chuyển, nhưng lại nói là không nhớ tên người đó. Tôi băn khoăn và hồi hộp mở thư ra. Lá thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng: "Anh P thân mến, tôi xin được gửi trả lại anh chỉ vàng mà tôi đã lấy của anh cách đây mấy chục năm. Tôi sẽ đến gặp anh để xin anh thứ tội. Kính". Đọc thư xong, tôi thực sự bàng hoàng. Lá thư không ký tên. Tôi không còn nhận được chữ đó là của ai viết nữa. Tôi đoán đó là thư của S. Tôi mở chiếc hộp giấy nhỏ và nhận ra trong đó có một chỉ vàng. Đó là một chỉ vàng mới. Không hiểu tại sao lúc đó nước mắt tôi chảy ra giàn giụa. Lúc này tôi mới thực sự nghĩ đến S với một nỗi xót thương. Ngày ấy, S là sinh viên nghèo nhất trong lớp. Bố S mất sớm. Mẹ S phải tần tảo nuôi năm anh chị em S ăn học. Có lẽ vì thế mà trong một phút không làm chủ được mình, S đã trở thành một kẻ ăn cắp. Nếu lúc đó, chúng tôi có được sự xót thương như bây giờ thì có lẽ chúng tôi không đẩy S vào tình cảnh như ngày ấy.

    Sau khi nhận được lá thư và chỉ vàng, tôi hầu như mất ăn, mất ngủ. Có một nỗi ân hận cứ xâm chiếm lòng tôi. Ngày ngày tôi đợi S đến tìm. Tôi sẽ nói với S là tôi tha thứ tất cả và tôi cũng xin lỗi S vì lòng tôi thiếu sự thông cảm và thiếu vị tha.

    Một buổi sáng có tiếng chuông cửa. Tôi vội chạy ra mở cửa. Người xuất hiện trước tôi không phải là S mà là H. Tôi reo lên: "Ối, hôm nay sao rồng lại đến nhà tôm thế này". Khác với những lần gặp gỡ trước kia, hôm đó gương mặt H trầm tư khác thường. Tôi kéo H vào nhà và nói ngay: "Mình vừa nhận được thư thằng S. Cậu có biết nó viết gì không? Nó hứa trả lại tôi chỉ vàng và nói sẽ đến gặp tôi để xin lỗi". Khi tôi nói xong, H bước đến bên tôi và nói: "Anh P, anh không nhận ra chữ viết của tôi ư. Tôi chính là người viết lá thư đó. Tôi chính là người đã ăn cắp chỉ vàng của anh". Nói xong, H như đổ vào tôi và khóc rống lên. Tôi vô cùng bàng hoàng và không tin đó là sự thật. Khóc xong, H đã kể cho tôi nghe tất cả sự thật. Vì cũng muốn mua một chiếc xe đạp sau khi tốt nghiệp đi làm, H đã tìm cách lấy trộm chỉ vàng. Và suốt thời gian qua, H rất ăn năn và luôn tìm kiếm S để chuộc lỗi. Thế rồi chúng tôi quyết định về quê S mặc dù biết S không còn sinh sống ở quê đã lâu.

    Vất vả lắm chúng tôi mới biết thông tin về S: Sau khi bị nhà trường gửi công văn đến địa phương thông báo về đạo đức của mình, S đã phải chịu quá nhiều tai tiếng và những ánh mắt khinh bỉ của hàng xóm. S đã xin đi khai hoang ở một huyện miền núi.

    Nghe vậy, chúng tôi lại tức tốc lên đường tìm đến nơi S đang sinh sống. Ở đó S sống cùng vợ con trong một ngôi nhà gỗ đẹp dưới chân một dãy đồi. S trồng trọt và mở một trang trại chăn bò lớn. Trông anh già hơn tuổi nhưng khỏe mạnh và đôi mắt nhân ái vô cùng. Cả ba chúng tôi ôm lấy nhau mà khóc.

    Tôi và H quyết định ngủ lại một đêm với S. H xin S cho H được kể sự thật cho vợ con S nghe để họ thanh thản và hãnh diện về chồng, về cha mình và H muốn được tạ lỗi với vợ con S. Nhưng S gạt đi và nói: "Chưa bao giờ họ tin tôi là kẻ ăn cắp". Trước khi chia tay nhau, H cầm tay S khóc và nói: "Mình có tội với cậu. Cậu đã tha tội cho mình. Nhưng mình muốn được trả một phần nhỏ cái nợ lớn mà đời mình đã mang nợ với cậu. Hãy nói mình phải trả nợ cậu như thế nào". S mỉm cười và nói: "Ông đã trả hết nợ rồi". Khi tôi và H còn chưa hiểu ý thì S nói: "Việc ông nói ra sự thật về tội lỗi của ông là ông đã trả hết nợ rồi. Đừng nghĩ gì về chuyện cũ nữa. Mà thực ra, ông nợ chính ông nhiều hơn là ông nợ tôi. Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình". Cho đến lúc đó, tôi mới thực sự hiểu con người S. Tôi hiểu ra một điều gì đó thật xúc động, thật sâu sắc về cuộc đời này. Hóa ra, có những tâm hồn lớn lao và cao thượng lại nằm trong những con người khốn khó và giản dị như thế.

    Cũng trong cái đêm thức với S tại ngôi nhà gỗ của anh, chúng tôi mới biết những ngày đi học, khi nghỉ học, S vẫn đi quay mì sợi thuê để mua mì sợi cứu đói cho gia đình. Chúng tôi đã không hiểu được bạn bè mình. Chúng tôi đã làm cho một con người như S nếu không có nghị lực, không có lòng tin có thể dễ dàng rơi vào tuyệt vọng.

    Thưa các anh, các chị, câu chuyện tôi kể cho các anh, các chị chỉ có vậy. Nhưng với tôi đó là một bài học về con người và về cuộc đời. Kính chúc các anh, các chị mạnh khỏe, an khang và thịnh vượng.

    Thân ái
    Đ. V. P

Monday, June 27, 2011

[shock] 21 tuổi tôi đã lên giường với hàng chục cô gái...




Tôi thực sự bàng hoàng trước những lời thú thật của V., chàng trai trẻ vừa bước sang tuổi 21 nhưng đã "lên giường" với vài chục cô gái trẻ đều là nữ sinh lớp 10, 11, 12.

Bất ngờ hơn cả, những cô gái ấy đều được sinh trưởng trong những gia đình công chức, gia giáo...

Thường thì, những cô gái tôi quen đều thông qua việc chát trên mạng. Những cô gái lọt vào "tầm ngắm" của tôi là các nữ sinh các trường THPT, vì họ thường là những cô gái ngây thơ, dễ thương và "an toàn". Tôi không thích làm quen với những cô gái nhiều tuổi hơn vì họ dạn dĩ, bạo dạn quá.

Thời gian trung bình cho việc làm quen đến việc rủ một cô gái quan hệ với tôi chỉ khoảng 1 tuần. Cô gái mà tôi chinh phục nhanh nhất chỉ mất một ngày, nghĩa là quen buổi sáng, buổi chiều cô ấy đã sẵn sàng dâng hiến cho tôi.

Còn cô gái làm tôi mất nhiều thời gian nhất là hơn 1 tháng. Tuy nhiên, tôi cũng không chùn bước. Với những cô gái này tôi có cách quyến rũ riêng, nghĩa là phải kiên trì, phải tạo lòng tin, để cho cô ấy thấy rằng tình yêu tôi dành cho cô ấy thật lãng mạn, thật nồng nàn và rồi việc chiếm được cô ấy chỉ là việc nhỏ trong tầm tay.

Chỉ cần qua vài câu đưa đẩy, tán tỉnh trên mạng là tôi đánh giá được cô ấy có ngoan hay không. Ở nhà, dưới con mắt của các bậc phụ huynh, họ được coi là những đứa con gái đáng yêu, hồn nhiên, ngây thơ, trong trắng khi lúc nào cũng vâng vâng, dạ dạ. Bố mẹ họ cũng hoàn toàn yên tâm về con gái trước sự kèm cặp sát sao của mình, trước sự đúng giờ, trước việc học hành "chăm chỉ" của con gái mà không thể nào ngờ được con gái của mình lại có thể tìm thú vui trong chốn nhà nghỉ.

Khi tôi "hành động", tôi biết họ rất đau nhưng chỉ vài câu an ủi: Vì anh, vì tình yêu của anh, em chiều anh nhé... là họ lại cố gắng...
Họ đa phần là những cô gái ngoan nhưng sai lầm lớn nhất của họ là "đua" với bạn bè. Nhìn thấy bạn gái mình thao thao bất tuyệt về sự quan tâm, săn đón của anh chàng bảnh trai, ga lăng, thế là các cô ấy chạnh lòng. Phần nữa, họ cũng rất tò mò, cũng muốn thử cái cảm giác ăn trái cấm. Vậy là họ ngã lòng.

Tôi cũng rất nhiều lần được các nàng đưa đi trình diện và tôi thấy ánh lên trong mắt họ niềm tự hào với bạn bè về anh người yêu đầy nam tính. Tôi hiểu được thế mạnh của mình là sự quyến rũ và tôi dùng sức mạnh ấy để đưa các cô gái "vào đời".

Tuy còn là học sinh nhưng có một số cô khá dạn dĩ. Sau khi rủ tôi đi ăn uống, cô ta liền gợi ý: "Bây giờ khuya quá, em không dám về nhà đâu, bố mẹ em mắng chết. Hay anh đi với em đêm nay nhé, em sợ ở một mình lắm".

Vậy là hiểu ý nhau, hai đứa "táp" luôn vào một nhà nghỉ. Vào đến nơi, cô ấy đi tắm, còn tôi trèo lên giường nằm. Ban đầu, cô ấy nằm quay lưng về phía tôi. Tôi biết là cô ấy giả vờ nhưng cứ nằm yên như thách thức cô ấy. Vậy là cô ấy cầm lấy tay tôi đưa lên ngực, rồi lướt qua những chỗ nhạy cảm trên cơ thể. Không kiềm chế được, cô ta chủ động cởi hết quần áo và "mở tiệc" mời tôi. Cô ấy chỉ là học sinh lớp 11 thôi đấy!

Với những cô ngoan ngoãn, hiền lành, ít từng trải thì cuộc chinh phục của tôi có phần khó khăn, vất vả hơn nhưng phần thưởng tôi dành được thì có giá trị hơn rất nhiều: Tôi là người đầu tiên "bóc tem" món quà vô giá ấy.

Rủ họ vào được nhà nghỉ và trao cho họ những lời yêu thương, đường mật, họ không thể không "hy sinh" cho một tình yêu đẹp, vậy là tôi bắt đầu một cuộc "khai phá". Lúc đấy họ dễ thương lắm, họ cố tỏ ra mình mạnh mẽ để che giấu sự lo lắng, sợ sệt cho lần đầu.

Khi tôi "hành động", tôi biết họ rất đau nhưng chỉ vài câu an ủi: Vì anh, vì tình yêu của anh, em chiều anh nhé... là họ lại cố gắng... Và chỉ sau vài lần quan hệ, nhiều cô trong số này lại luôn nhớ tới cảm giác đó và chủ động gọi cho tôi.

Có thời điểm, tôi quen 3 cô một lúc. Cô thì chỉ đi được ban ngày, không đi được buổi tối. Cô thì ban ngày bị bố mẹ kèm cặp, nhưng buổi tối được "thả" vì lý do đi học thêm. Cô nữa thì rủ đi lúc nào cũng được. Vậy là "thèm" lúc nào, rảnh lúc nào là tôi đều có một em để gọi.

Có khi một em vừa đi chưa xa tầm mắt, tôi đã cầm điện thoại lên gọi cho em khác: Em à, anh đây, anh nhớ em quá, em đi ăn tối với anh nhé. Thế là, chẳng cần đợi nhiều, một lúc sau em ấy đã ngồi cạnh làm nũng.

Không phải lúc nào tôi cũng đưa các cô ấy vào nhà nghỉ, như vậy thì mình lấy tiền đâu. 2 tiếng bên nhau, tôi đã phải trả cho nhà nghỉ 50 ngàn, thêm một tiếng trả thêm 10 ngàn, còn nếu hôm nào overnight thì mất đứt 2 "lít". Khi nào bố mẹ tôi vắng nhà thì căn phòng của tôi là thiên đường tình yêu cho chúng tôi và cũng có khi chúng tôi "yêu nhau" ngay tại nhà cô ấy nếu được cô ấy "chỉ điểm".

Cô gái trẻ nhất tôi quen qua mạng sinh năm 1995 nhưng tôi cũng chỉ cặp kè bình thường thôi vì trông em đấy còn non nớt và trẻ con quá. Nhiều em ở TPHCM, Đà Nẵng còn bay ra để gặp tôi nữa ấy chứ. Còn những tỉnh như Phú Thọ, Hải Phòng, Hải Dương... thì chỉ cần tôi "ới" một cái là các em đã có mặt ở Hà Nội liền.

Mặc dù là học sinh nhưng các cô gái ấy cũng đã trang bị cho mình kiến thức để không để lại "hậu hoạ" bằng cách sau khi quan hệ uống viên thuốc tránh thai khẩn cấp. Chính tôi và các cô ấy đều không thích dùng bao cao su.

Cũng có một vài cô gọi điện tới tôi cầu cứu vì đã dính bầu. Chuyện đấy chẳng làm tôi hốt hoảng. Tôi bảo cô ấy tự tới bệnh viện mua thuốc phá thai, vừa nhanh chóng, vừa không gây đau đớn, hậu quả thì tôi không quan tâm.

Một cuộc tình của tôi thường chỉ kéo dài 1 - 1,5 tháng. Tôi tự chấm dứt bằng cách im hơi lặng tiếng. Ban đầu, các cô ấy cũng buồn, cũng níu kéo nhưng rồi họ quên nhanh lắm, chắc chắn họ cũng tìm cho mình một mối quan hệ mới trên mạng. Thỉnh thoảng, lâu lâu, có một cô nhớ tới cảm giác cùng tôi, liền gọi điện cho tôi, tôi cũng chiều lòng... Nhưng chỉ hơn một tháng là làm tôi chán, tôi thích những cuộc chinh phục, những cảm giác mới mẻ...

Hồi tôi học phổ thông, làn sóng sex vẫn còn chưa mạnh mẽ như bây giờ nên tận năm lớp 11 tôi mới được trở thành "đàn ông" theo đúng nghĩa. Còn nay, nhiều thằng con trai chỉ mới học lớp 8, lớp 9 đã "không tha" cho bạn gái mình. Tôi không phải là cá biệt đâu, bạn bè nhiều đứa như tôi lắm.

Thực sự, có những thời điểm khiến tôi mệt mỏi khi có những em quá dạn dĩ cứ luôn hối thúc bắt "quan hệ", và tôi đã nghỉ ngơi một thời gian ngắn để phục hồi lại sức khoẻ chuẩn bị cho một "mẻ lưới" mới. Con gái thời nay thật đáng yêu và dễ thương, thật đấy!!!


-----------------------------------
đồ khốn nạn !!!

Saturday, June 25, 2011

Phát ngôn...của CHUỐI !

http://www.raovat.com/upload/file_upload/file_upload12681.jpg


1) Nhỏ không đi học.. Lớn cũng biết đọc.. Nhỏ không cua gái.. Lớn cũng bị gái cua....

2) Từ từ...để mọi chiện nó hồn nhiên....vô tư như con bào ngư....nhí nhảnh như con cá cảnh

3) Mình xấu nhưng mà mình biết phấn đấu mình chịu khó làm giàu thì đựơc mọi người yêu dấu mình như một con gấu

4) Tin dzui: Chẳng có gì để buồn.... Tin buồn: Chẳng có gì để dzui..... haizzzz

5) Ngoài kia người ta đang nháo nhào! Mưa ào ào và đường thì cứ đào!...

6) Làm dziệc thật là nghiêm túc... trong dzòng 5 phút....

7) Slogan bảo vệ môi trường: Quần đùi nhặt rác, dứt khóat đẹp trai...

8) Hội những người yêu thương thầm lặng nhưng đánh ghen um sùm

9) Vì học hành căng thẳng nên tớ đã ngủ thằng cẳng mà chẳng thèm đi thi

10) Tại sao trời đã sinh ra anh.... lại còn sinh ra chồng em

11) Hãy cứ im lặng mà làm việc , vì cũng sẽ tới lúc chó ngưng sủa , người ngưng rủa , bom đạn thôi đì đùng và những thằng khùng sẽ xuống mồ câm lặng

12) Kưa gái ko khó , cái khó là làm sao cho nó yêu mình . Lừa tình ko khó , cái khó là giữ sao cho mình ko đc yêu nó

13) Chồng người áo gấm xông hương... Chồng em áo rách... Em thương chồng người

14) Những lúc bizi thì lại chằng muốn làm gì... Chỉ muốn ôm gối ngủ khì khì... zzzz...

15) Lớn phải có lông nách, sống cho nó phong cách.

16) Đừng tự ti khi giàu mà học dốt, hãy tự tin khi học dốt mà vẫn giàu

17) Đời là bể khổ, nổ là bể đầu

18) Dân ta phải biết sử ta, Cái gì không biết lên tra ... Google

19) Trời... Người đâu mà đẹp nghiêng.... thùng, đổ ......gánh...

20) Một kết thúc dù tồi tệ đến đâu cũng còn hơn là kéo dài sự tồi tệ mà chả biết bao giờ mới kết thúc

21) Ăn tranh thủ - ngủ khẩn trương - học bình thường - yêu đương là chính

22) Phụ nữ là một bài toán đẹp mà khi càng cố tìm đáp số thì ta lại có thêm nhiều ẩn số....

23) Lúc nào bạn cũng thấy thiếu tiền? Đừng buồn, vì bạn đang tiêu tiền như một kẻ giàu có mà lị!

24) Gọt xoài đừng để xoài chua - Chọn bạn đừng để bạn cua bồ mình

25) Bánh mì phải có patê..... Làm trai phải có máu dê trong người!!!

26) Ghi chú trên lưỡi cưa máy: Không được dùng tay để hãm lưỡi cưa....

27) Muốn gìn giữ hạnh phúc gia đình thì thỉnh thoảng phải biết nhìn vợ bằng con mắt của ông hàng xóm

28) Khi người đàn ông buồn, anh ta tìm một phụ nữ; khi người đàn ông vui, anh ta lại tìm thêm một phụ nữ khác

29) Hôn nhân là khi chàng trai trẻ mua rau thay vì mua hoa

30) Em có tin vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên không, hay để anh đi qua một lần nữa?

31) Tôi mới tới thành phố này. Liệu em có thể chỉ dẫn cho tôi đến căn hộ của em được không?

32) Hẳn là chân em đã mỏi nhừ, vì em chạy trong tâm trí anh suốt cả ngày ^^

33) Nhớ em nói chẳng nên lời.... Xơi năm tô phở..... quên đời quạnh hiu

34) anh em như chân tay, vợ con như quần áo; chân tay có thể không cần nhưng không thể không mặc quần áo

35) Con trâu ở dưới ruộng sâu... Thấy da nâu lắc phao câu... nó cười...

36) PTV: Da mềnh càng nâu thì não mềnh càng ít chăng... ????

37) Mặt bần thần như vớ phải quần đứt dây thun....

38) Người thắng cuộc chưa hẳn đã là người giỏi nhất... mà là người được chọn

39) Tình yêu là chiếc quan tài, Người yêu là cái thi hài bên trong

40) Đừng bực bội khi mình đang có tội... Đừng quặt quẹo khi mình đang có thẹo.... Đừng e thẹn khi mình đang có hẹn.... Và cũng đừng lo sợ khi mình đang có nợ....41) Không có phụ nữ xấu chỉ sợ không đủ cá sấu cho phụ nữ ăn

41/Thân lãng tử phải phiêu du mây gió.Chốn phiêu bồng ắt hẳn có giai nhân

42/Lạy thượng đế bao giờ con hết khổ! - Tổ cha mày con khổ mãi nghe con

43/Sáng nhặt lá,Trưa đá ống bơ,Chiều làm thơ,Đêm thẫn thờ chờ trời sáng

44/Mẹ mình cứ như là một vệ sỹ Mẹ canh chừng mình từng chút một, rình suốt ngày Mẹ ơi yên tâm ** con bảo vệ con tốt lắm cứ y như mẹ zây

45/Ai bảo rằng cây kg buồn ,kg khóc,Đá kg sầu kg nhớ thương ai.Cây kg buồn sao lá vàng rơi rụng,Đá kg sầu sao đá phủ rêu xanh

46/Kg thương,kg nhớ,đời thanh thản.Kg buồn,kg khóc, lệ kg rơi.Kg yêu ai cả lòng băng giá.Kg nhớ về ai hồn tự do

47/Có 3điều tuyệt vời nhất trên thế giới này:1-Khi bạn Yêu Một ai đó.2-Ai đó Yêu Lại Bạn.và điều thứ 3 đó là:Khi 2 điều trên xảy ra cùg 1 lúc

48/nếu vô tình ta gặp đc 1 chàng trai chung thủy,thì đó chính là sản phẩm lỗi của quá trình sinh sản

49/Hãy cứ im lặng mà làm việc , vì cũng sẽ tới lúc chó ngưng sủa , người ngưng rủa , bom đạn thôi đì đùng và những thằng khùng sẽ xuống mồ câm lặng

50/Server đất chật người đông, hảo hữu thì ít mà cừu nhân thì nhiều.

51/Đời thằng đàn ông có 3 cái sướng : 1- Lấy vợ. 2- Bị vợ bỏ. 3- Lấy vợ nữa

52/Điếu thuốc tàn bên ly cafe cạn, cuộc đời khốn nạn biết kết bạn cùng ai.

53/Love is the name, sex is the game, Play the game remember the name

54/một lần trót lỡ ôm ngàn hận, giận đời đen đủi lắm gian truân

55/Không giàu thì phải đẹp trai.Không thông kinh sử... Phải dài 1 gang..

56/Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối

57/Ở đâu cũng có anh hùng,Ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên

58/Thất tình tự tử đu dây điện.Điện giật tê tê chết từ từ

59/Chim khôn chọn cây lành mà đậu, gái khôn chọn mấy thằng nhậu mà nhờ.
Để mai sau nó có chết bụi chết bờ, hòm rương mình không tốn, bàn thờ khỏi đốt nhang.

60/Cuộc đời sao lắm éo le nhân sâm thì ít rễ tre thì nhiều

61/Rượu là dư hương của thiên tử thánh thần, rượu là ngũ cốc suy tinh túy, rượu là do gạo do nếp làm ra uống giống như ăn khỏi mất công nhai mỏi miệng.

62/Kưa gái ko khó , cái khó là làm sao cho nó yêu mình . Lừa tình ko khó , cái khó là giữ sao cho mình ko đc yêu nó

63/Không có gì quý hơn độc lập tự do nghĩa là vẫn có thứ quý bằng độc lập tự do....

64/Nàng dịu dàng nhưng hơi bị phũ phàng

65/Quay đầu là bờ, ai ngờ là bão

66/Tiền túng tình tan
Tư tưởng tồi tàn
Tiến tới TỰ TỬ

67/Đẹp trai khoai to,Không lo chết đói.

68/ko phải tôi đặt ra mẫu người con gái của mình để rồi tôi tìm thấy cô ấy
mà là cô ấy đặt ra mẫu ng` con gái tôi yêu

69/Cướp giật đây,giơ tay lên ko tao báo công an!

70/có khi nào trên đường đời tấp nập, ta vô tình vấp phải tập đôla

Có bao giờ trên thành giường lập cập,ta vô tình đâm phầm phập vào nhau

71/"Một bước lỡ, nghìn thu ôm hận.Giật mình ngoảnh lại, hóa trăm năm"

Em tinh khiết giữa đời ta bụi bặm - Gọi ta về trong bóng nắng thơ ngây

72/Air Blade : dịch nôm na là kiếm khí, là một vũ khí chuyên dụng cho các chuyên gia chém gió nhiều thể loại

73/Xì po đến trường , khói trắng ngời sáng tương lai

74/gái gú là phù du, thầy u là vĩnh cửu

75/chuyện gì rồi cũng sẽ qua,..................

.......... thời gian rồi sẽ giúp ta quên đi tất cả......


76/"Thuê bao quý khách đang dùng hiện đang bị 1 thuê bao khác để ý. Đề nghị quý khách chú ý."

77/BKAV: Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở hệ điều hành

78/Anh chỉ mang đến cho em toàn là đau khổ ... Có lẽ vì vậy mà em yêu Anh. Bởi vì niềm vui thì dễ quên, còn đau khổ thì không bao giờ .

79/Tia sáng cuối đường hầm là ánh đèn của đầu xe lửa

80/Sữa là chất gây nghiện.......

81/chống cự là bụng bự.

82/Lớn phải có lông nách, sống cho nó phong cách

83/Mình thích cười trên nỗi đau của người khác, vì mình không thể cười trên nỗi đau của chính mình

84/Ông Lão Đánh Cá Và Bà Già Đánh Lô

85/"1 tuổi cai sữa, 19 tuổi tái nghiện"

86/"Thú vui tao nhã-Giặt tã cho con"

87/Đánh vợ thể dục thể thao, Đẩy vợ xuống ao là tinh thần bơi lội.

88/Nếu anh là giọt nước mắt trong em,thì em sẽ khóc để anh lăn xuống chạm vào môi em . Nhưng nếu em là giọt nước mắt trong anh thì anh sẽ không bao giờ khóc bởi vì anh không muốn mất em

89/phòng thủ đầu cuối sao còn dính, lại 1 miệng ăn mới hạ trần

90/đàn bà bụng bự thì sang
đàn ông bụng bự ko sơ gan cũng tiểu đường

91/ Khi sa cơ anh thắp hương cầu Phật, Lúc huy hoàng anh lật đổ lư hương



-------------------------
dễ sợ thay cho những lời của CHUỐI..