Cúng Kỳ yên còn gọi là cúng đình, cúng Thần. Hầu hết tại các vùng nông thôn Việt Nam đều có đình. Tùy điều kiện kinh tế dân cư mà mỗi làng xã, xóm ấp có đình nhiều hay ít.Đình là nơi thờ các danh nhân hoặc bậc tiền hiền có công đối với đất nước và vùng đất. Mỗi đình có một sắc thần, sắc thần là “ấn chỉ” của vua ban nhằm công nhận tính hợp pháp của ngôi đình. Do vậy, sắc thần là “bảo bối”, là biểu tượng linh thiêng của đình. Hàng năm, vào độ tháng 10, 11 âm lịch, là thời điểm sau mùa vụ, người dân nông thôn được nhàn rỗi, thư thả, nên các đình thường tổ chức cúng Kỳ yên để tạ ơn thầm cầu nguyện cho quốc thái, dân an. Và qua đó, người dân cũng có dịp cầu khấn, nguyện ước những điều tốt đẹp thầm kín riêng cho mình.
Tùy theo điều kiện kinh tế mỗi người, lễ vật cúng đình có thể là hiện kim, hiện vật là gà, heo quay, hoa quả và ... xôi nếp là lễ vật không thể thiếu, vì xôi nếp tượng trưng cho thành quả lao động nông nghiệp. Hiện kim, hiện vật do ban quý tế đình thu giữ, quản lý để thu chi cho lễ hội hay trùng tu ngôi đình. Ban quý tế do dân bầu ra dưới hình thức tự quản, nhiệm kỳ là 2 năm.
Theo tục lệ, lễ hội Kỳ Yên được tổ chức là để thờ cúng Thành Hoàng (còn gọi là Thành hoàng bổn cảnh). Thần Thành Hoàng vốn được người Việt Nam xem là vị thần thay trời quản trị bảo hộ làng xã, do đó thờ Thành Hoàng ở đình đã từng chiếm một vai trò vô cùng quan trọng trong tín ngưỡng và đời sống của dân cư, nhất là cư dân nông nghiệp.Chính vị thần này đã đem đến cho người dân một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, lo cho dân có ruộng cày, đồng lúa xanh tươi, nhà nhà đều trồng trọt, thu hoạch tốt. Vì thế hàng năm, cứ đến ngày lễ, mọi người trong làng lại cùng nhau dâng hương cho Thành hoàng để mong ước có một cuộc sống bình an, mùa màng tốt tươi. Thông thường, tùy theo thứ bậc của vị Thành Hoàng mà người dân tiến hành thờ cúng lễ vật khác nhau. Nếu vị Thành Hoàng đó là Thượng đẳng thần thì thờ 9 món, Trung đẳng thần thì thờ 7 món và Hạ đẳng thần thờ 5 món.
Lễ Kỳ Yên xưa được tổ chức hai ngày một đêm
+ Ngày thứ nhất có các nghi lễ:
- Rước sắc thần từ nhà Chánh bái về đình (nay chỉ mang tính tượng trưng)
-Tế Túc yết gồm các nghi tiết: dâng hương (1 lần), dâng rượu (3 lần), dâng trà (1 lần) và đọc bài văn tế thay cho lời khấn, nội dung gồm những lời tán dương thần thánh và lời cầu nguyện của dân làng. Khi tế lễ phải có dàn nhạc cụ gõ nhịp gồm: mõ, chiêng, trống, chuông.
+Ngày hôm sau có các nghi lễ:
- Chánh tế gồm: dâng hương (1 lần), dâng rượu (3 lần) dâng trà (1 lần) và đọc bài văn tế cầu nguyện, cảm tạ thần Thành Hoàng Bổn cảnh đã phù hộ phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.
- Tế: Tiền hiền, Hậu hiền (danh nhân hữu công - quy dân lập làng hoặc bỏ tiền của xây dựng các công trình phúc lợi công cộng đầu tiên để lại gương soi cho đời sau. Cho nên nói chung, lễ kỳ yên mang ý nghĩa là ngày giỗ hội của làng), liệt sĩ địa phương hy sinh vì đất nước, Thần Nông, Thần Hổ....
Thần Nông và Thần Hổ là hai trong tám vị thần nông nghiệp:
- Thần Tiên sắc: thần Lúa
- Thần Tư sắc: thần Lúa giống.
- Thần Nông: tượng trưng quan Điền Tuấn dạy dân làm nông nghiệp.
- Thần Bưu bửu chiết: thần phụ tá thần Nông.
- Thần Phòng: thần Bờ ruộng
- Thần Thuỷ dung: thần Kinh mương.
- Thần Hổ: (hay thần Mèo) bảo vệ mùa vụ, chống chuột bọ phá hoại.
- Thần Côn Trùng (hiểu là Thiên địch) trừ côn trùng có hại.
Theo tục lệ cổ, ngày cuối năm tế thần Thành Hoàng thì tế tám vị thần vừa kể, nên tám vị thần nói trên còn gọi là thần Bát lạp.
Xen lẫn các nghi lễ trong hai ngày đó là chương trình văn nghệ (hát bội), có thể hiểu đây là phần hội của ngày Kỳ Yên. Chương trình hát gồm:
-Xây chầu - Đại bội: là hai nghi thức giải thích sự cấu tạo vũ trụ bằng văn nghệ, theo quan niệm dịch lý: Vô cực sinh Thái cực, sinh Lưỡng nghi, sinh Tứ tượng, sinh Ngũ hành (năm chất cấu tạo vũ trụ). Khi xây chầu:
+ Trống chầu tượng trưng cho Vô cực.
+ Màn Bàn Cổ xuất hiện, tượng trưng Thái cực (khí dương).
+ Màn Xang nhựt nguyệt, tượng trưng Lưỡng nghi (âm dương).
+ Màn Tứ thiên vương, tượng trưng Tứ tượng (Thái âm, Thiếu dương, Thái dương, Thiếu âm).
+ Màn Đại bội tượng trưng Ngũ hành (Kim, mộc, thuỷ, hỏa, thổ)
Chương trình hát bội có 3 tuồng: tuồng thứ nhất và tuồng thứ nhì có thể là cảnh quốc gia loạn lạc, nhưng đến tuồng thứ ba phải là cảnh thiên hạ thái bình, đem lại điềm lành cho xã hội, gọi nôm na là kết thúc có hậu. Hiện nay nghệ thuật hát bội đang lâm vào khủng hoảng đội ngũ kế thừa do vậy việc tổ chức xây chầu đại bội theo đúng bài bản, qui trình rất ít được thực hiện. Có một số nơi thay hát bội bằng cải lương... với nhiều tuồng tích xưa như: Chung Vô Diệm, Thần Nữ Ngũ Linh Kỳ, Trảm Trinh Ân, Lưu Kim Đính, Tiết Đinh San...
Trong thực tế, ở lễ kỳ yên thì phần “lễ” chiếm phần quan trọng hơn phần “hội”. Các đối tượng cúng lễ là một tập hợp thần linh đông đảo không chỉ riêng có thần Thành hoàng bổn cảnh.
Lễ kỳ yên là dịp để dân làng họp mặt, bàn chuyện gia đình yên ấm, vui chơi. Xưa kia, ở các đình còn có tục cứ ba năm đáo lệ tổ chức hát bội, cúng thần giúp vui bá gia, bá tánh. Những tục lệ này nhằm thắt chặt tình cộng đồng. Còn hát xướng trong ngày lễ kỳ yên không phải là văn nghệ bình thường mà mang nội dung nghi lễ. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu.
Lễ kỳ yên còn là dịp để các nghệ nhân thể hiện sự khéo léo như chưng hoa, kết quả. Buổi lễ cũng là dịp cho người làm vườn giới thiệu các loại cây trái mới, người làm ruộng giới thiệu các giống nếp ngon qua tài nữ công của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, tiệc tùng trong ngày lễ kỳ yên chỉ mang tính liên hoan, chiêu đãi, hoàn toàn không có tục “chiếu trên, chiếu dưới” nhậu nhẹt say sưa.
Xưa cũng thế, nay cũng vậy. Ngày nay, lễ hội Kỳ yên, nghi thức hành lễ, thời gian vẫn thế, nhưng có điều người cúng đình không còn bó hẹp trong diện nông dân mà có đủ các thành phần dân cư. Bởi lẽ, do điều kiện phát triển kinh tế, đời sống văn hóa giữa nông thôn và thành thị đã thu hẹp ranh giới. Các phương tiện hiện đại phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho người dân đều có mặt khắp nơi. Cho nên, đến cúng đình để xem hát tuồng, hát bội là chuyện của các “bô lão”... hồi đó. Bây giờ không ít người cao tuổi, nhất là giới làm ăn kinh doanh - sản xuất, giới trẻ... qua cúng đình để xem văn nghệ chỉ là phụ. Cái chính là bà con xóm ấp có dịp gặp nhau để thăm hỏi, bàn chuyện làm ăn kinh doanh, sản xuất, trao đổi kinh nghiệm làm mùa, giống má, vật nuôi... Trước mặt thần thì họ cầu nguyện cho tương lai, sự nghiệp, chuyện gia đạo, học hành và cả ... chuyện tình yêu.